Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói sẽ phải mất một thời gian để đánh giá lại tình hình "đặc biệt liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2”. Hệ thống đường ống trị giá 11 tỷ USD được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt chuyển từ Nga sang Đức, từ đó đi khắp châu Âu. Việc xây dựng hệ thống đã hoàn thành vào cuối năm 2021, song các cơ quan quản lý của Đức vẫn chưa "bật đèn xanh" để đường ống chính thức hoạt động.
Một cơ sở của Dòng chảy phương Bắc 2 tại Đức. (Ảnh: AP)
Dự án gây nhiều tranh cãi vì một số nước cho rằng việc hệ thống đường ống này đi vào hoạt động sẽ khiến châu Âu phụ thuộc năng lượng vào Nga. Ukraine và Mỹ là những nước phản đối quyết liệt nhất dự án. Moskva trong khi đó khẳng định đây chỉ là dự án kinh tế, không mang ý nghĩa chính trị.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung tại Washington với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không thể khơi thông nếu Nga tấn công Ukraine.
Theo ông Biden, Mỹ đang xem xét phát triển nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt do các lệnh trừng phạt mà phương Tây có thể áp đặt đối với Moskva liên quan đến tình hình Ukraine.
Sau khi Tổng thống Putin thông báo công nhận sự độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, Nga đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực. Nhiều bên lo ngại rằng việc lực lượng Nga đến đây sẽ là tiền đề cho một cuộc xung đột quân sự.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin khẳng định nước này đã chuẩn bị cho những hậu quả của việc công nhận Donetsk và Lugansk.