Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở trung tâm TP.HCM bị cây cỏ phủ kín

(VTC News) -

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở trung tâm TP.HCM có chủ trương từ năm 2008, nhưng đến nay bị cây cỏ phủ kín, hoang hoá và chưa biết ngày nào xây mới.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có vị trí đắc địa với bốn mặt tiền ở trung tâm TP.HCM gồm đường Võ Văn Tần - Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). 

Dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010. Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019. Nhà thi đấu có mức đầu tư được công bố là 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỷ đồng và UBND TP.HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư.

Hiện tại các khu đất được đề xuất để thanh toán hợp đồng BT cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng là khu đất ở đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Văn Đạt nói trên, khu đất 181 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức). Tuy nhiên ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng phê duyệt để thanh toán cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công. Tuy nhiên dự án đã “đắp chiếu” hơn 13 năm nay và trông hoang phế dù nằm cạnh bên nhiều công trình di tích của quận 3 và trung tâm quận 1.

Theo thiết kế, công trình có quy mô hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với 7 tầng nổi và 3 tầng hầm. Nhà thi đấu nằm trên diện tích hơn 14.400m2, khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có kích thước 40x60m. Chủ đầu tư của dự án này là Liên danh Tổng Công ty CP Đền bù giải toả và Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Địa ốc Phát Đạt). 

Thông tin về dự án này, Địa ốc Phát Đạt cho biết tổng mức đầu tư khoảng 1.953 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào quý 1/2018 và hoàn thành xây dựng trong 2 năm.  

Nhiều năm đã trôi qua, dự án chỉ là bãi đất trống, được rào kín, cả công trình không có dấu hiệu cho thấy sẽ thi công.

Ông Hoàng Văn Anh (ngụ phường 6, quận 3) thở dài khi đi qua khu đất từng là nơi sinh hoạt cờ tướng, tập thể dục dưỡng sinh cho những người lớn tuổi.

Những người từng sinh hoạt, luyện tập hay thi đấu thể thao tại Phan Đình Phùng đều trông ngóng phong trào thể thao nơi đây sống lại, trở thành một trong những điểm nhấn đáng nhớ nhất của thể thao TP.HCM.

"Hơn chục năm trước, nhà thi đấu này từng chứng kiến những trận đấu làm nên lịch sử. Cách đây 3 năm, khi đập bỏ, ai cũng háo hức chờ diện mạo mới nhưng chờ mãi đến giờ cỏ cứ mọc cao mà tòa nhà chưa xây dựng nền móng", ông Hoàng Văn Anh nói.

Xung quanh công trình, nhiều khu vực trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Khu vực này được tận dụng làm nơi tập kết hàng chục xe chuyển rác, nước bẩn bị tù đọng, bốc mùi hôi thối. Các vật liệu nằm ngổn ngang trong công trình.

Tại phiên họp HĐND TP.HCM chiều 11/7/2023, đại biểu Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đánh giá, nguyên nhân dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng bị bỏ hoang đến nay có phần do sự chủ quan của TP.HCM trong việc xác định những vị trí để thanh toán cho nhà đầu tư. 

Đến nay, ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được duyệt để thanh toán, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công. Trong khi vào tháng 11/2022, TP đã lập tổ công tác do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng để gỡ vướng cho dự án. Dù dự án được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo hình thức BT không cần phải áp dụng đến nghị quyết 98 nhưng trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND cũng nêu ra để đề nghị TP phải tập trung có giải pháp cho dự án này 

Cuối năm ngoái, UBND TP.HCM lập tổ công tác liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, cùng các sở liên quan như Văn hóa - Thể thao, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án này. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát pháp lý liên quan dự án, làm việc với nhà đầu tư về quy mô, tiến độ thực hiện dự án, phương thức thanh toán... Trên cơ sở đó, Tổ tham mưu, đề xuất thành phố xem xét, giải quyết vướng mắc vượt thẩm quyền.  

Hoàng Thọ

Tin mới