Chiều 7/11, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Đỗ Quang Hưng - Trưởng phòng Tổng hợp công tư - Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cho biết, việc triển khai dự án PPP (đầu tư theo phương thức công tư của Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) theo cơ chế đặc thù này hiện nay đang phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Theo đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, khó khăn lớn nhất của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là không thể tiếp tục huy động nguồn vốn.
Theo Trưởng phòng Tổng hợp công tư - Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến cơ chế gặp khó khăn là do sự thay đổi liên tục về các quy định pháp lý liên quan việc áp dụng cơ chế của hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
“Dù dự án đã hoàn thành 90%, nhưng UBND TP.HCM vẫn chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư. Lý do chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật và quy định của hợp đồng đã ký kết kèm theo đó là các điều kiện giải ngân khoản vay, tái cấp vốn cho dự án cũng hết hạn”, ông Hưng nói.
Liên quan đến những khó khăn vướng mắc tại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Thủ tướng đã thành lập riêng tổ công tác để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dù đã đạt khoảng 90% khối lượng, nhưng siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM vẫn "mịt mờ" ngày về đích.
Về phía TP.HCM, theo ông Hưng thành phố cũng chủ động nghiên cứu và nhiều lần đề xuất Trung ương các phương án để tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được thống nhất do vướng các quy định về pháp luật.
UBND TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện và đề xuất phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Cũng theo Trưởng phòng Tổng hợp công tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, khó khăn lớn nhất của dự án chính là việc không thể tiếp tục huy động nguồn vốn (dự kiến 1.800 tỷ đồng) để thi công hoàn thành công trình.
“Vướng mắc này xuất phát từ việc ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu nợ, tái cấp vốn với ngân hàng BIDV được khoảng 3.560 tỷ đồng. Vì vậy, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian khoản vay giải ngân tái cấp vốn thì BIDV cũng không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM thanh toán”, ông Hưng cho biết.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn I được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018.
Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TP.HCM.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có quy mô gồm 6 cống ngăn triều (cống ngăn triều Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và cống ngăn triều Phú Định) và xây kè ven sông dài 7,8km từ Vàm Thuật đến Sông Kinh. Dự án chính thức khởi công ngày 26/6/2016.
Đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, tuy nhiên vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng.