Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự án 'bán lúa non', khách hàng ngậm 'trái đắng'

Huy động vốn từ năm 2010, nhưng đến nay dự án khu chung cư trên 9000m2 đất tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn nằm "bất động".

(VTC News) - Huy động vốn từ năm 2010, nhưng đến nay dự án khu chung cư trên 9000m2 đất tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn nằm "bất động", nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư chiếm dụng vốn.



Dự án “Đầu tư xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng và các đối tượng khác ngoài quân đội có nhu cầu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc Phòng)" được khởi công trên khuôn viên có diện tích đất khoảng 9000m2 tại xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, TP. Hà Nội.



Do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn không có chức năng kinh doanh BĐS nên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Công ty cổ phần BĐS Thuận Thành (Cty Thuận Thành) đứng ra tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai xây dựng dự án.



Phiếu thu không có chữ ký của thủ quỹ 
Trước thông tin mở bán dự án, nhiều khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Thuận Thành để được mua căn hộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn không được khởi động, nhiều khách hàng đã đến đòi lại tiền nhưng chỉ nhận được những lời hứa. 



Theo đơn phản ánh của những hộ dân đã mua nhà tại dự án này, từ tháng 4 đến tháng 5/2010, được biết Cty Thuận Thành và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), ký hợp đồng hợp tác để đầu tư xây dựng khu chung cư trên diện tích 9000m2 đất tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Do tin tưởng chủ đầu tư nên các hộ dân đã ký hợp đồng vay vốn đầu tư với số tiền là 14,3 triệu đồng/ 1 mét vuông. Tuy nhiên, giá trị thực được ghi trong hợp đồng đã ký chỉ có 12 triệu đồng/m2. Như vậy giá chênh là 2,3 triệu đồng/m2. Với căn hộ khoảng 90m2, số tiền chênh đã lên tới gần 200 triệu đồng/căn.



Tuy nhiên, văn bản 6279/BQP-DT của Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng được mua nhà là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên của binh đoàn đang gặp khó khăn về nhà ở. Nếu các đối tượng trên không mua hết số lượng, Binh đoàn được phép bán cho các đối tượng khác trong quân đội để thu hồi vốn. Như vậy, chỉ khi các đối tượng như văn bản này chỉ rõ không mua thì Binh đoàn 12 mới được bán cho các đối tượng khác trong quân đội để thu hồi vốn.



Ngoài ra, sau khi nhận tiền mua nhà của người dân, Công ty Thuận Thành thông qua việc chuyển khoản hoặc ghi phiếu. Các phiếu thu này có đóng dấu đã thu tiền nhưng lại không có chữ ký của thủ quỹ. Các hộ dân đặt ra câu hỏi, số tiến mà họ đã đóng góp cho công ty Thuận Thành đã được công ty này sử dụng vào mục đích gì?



Điều đáng nói, ngay sau khi ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Binh đoàn 12, Cty Thuận Thành đã sử dụng hợp đồng đó để huy động vốn từ những người đang có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội, ngay cả khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch được duyệt của dự án và giấy phép xây dựng.



Nói là huy động vốn nhưng cũng giống như nhiều dự án bất động sản khác cùng thời điểm, đó chỉ là cách lách luật của Cty Thuận Thành nhằm bán nhà từ khi dự án còn chưa được phép bán. Bởi lẽ, số vốn vay trong các hợp đồng đó bằng đúng với giá trị căn hộ mà người cho vay sẽ được ưu tiên mua tại dự án chung cư, và tiến độ giải ngân được chia làm 5 lượt tương ứng với tiến độ thực hiện dự án mà phía Cty Thuận Thành đưa ra.



Hầu hết những “nhà đầu tư” đã chuyển 20% giá trị căn hộ cho Cty Thuận Thành. Ngoài ra, họ cũng phải đóng một khoản “tiền chênh” tương đương 1,5 triệu đồng cho mỗi m2 diện tích căn hộ mà họ định mua.



Cam kết trong các hợp đồng vay vốn của Cty Thuận Thành lúc bây giờ là sẽ khởi công xây dựng dự án trong tháng 6 năm 2010 và hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, cam kết đó chưa bao giờ được thực hiện. Dưới sức ép của những người góp vốn vào dự án, Cty Thuận Thành đã liên tục hứa sẽ khởi công xây dựng dự án trong các năm 2012 và 2013 sau đó, nhưng tất cả lời hứa đó chỉ theo gió bay đi. Thực tế mãi đến tận tháng 11/2014, UBND TP Hà Nội mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trên, theo thông báo của chính Cty Thuận Thành.



Ngoài ra, đã hết thời hạn cho vay 42 tháng, nhưng đến nay

cty Thuận Thành

vẫn chưa chịu trả lại tiền đã góp vốn của các nhà đầu tư.



Với mong muốn yêu cầu Thuận Thành hoàn trả lại số tiền mà mình đã nộp cho công ty này trước đó, các hộ dân đã nhiều lần yêu cầu Thuận Thành hoàn trả số tiền. Lần gần đây nhất là vào ngày 5/8/2015 các hộ dân đã có buổi làm việc với Thuận Thành và được công ty này cam kết sẽ thanh toán 50% số tiền mà các hộ dân đã huy động cho công ty này trước đó. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa trả lại số tiền như đã hứa cho người mua nhà.



Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Luật sư Cty Luật Châu Á, người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho 20 “nhà đầu tư” kể trên, thì dấu hiệu của hành vi lừa đảo của Cty Thuận Thành được thể hiện ngay khi Cty huy động vốn của những người mua nhà khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục pháp lý khác để thực hiện dự án. Trong khi trì hoãn không trả lại các khoản tiền vay sau khi hết hạn lại là biểu hiện của việc chiếm dụng tài sản, ông Sơn khẳng định.


Ngọc Vy


Nguồn:

Tin mới