Vợ chồng tôi quen nhau gần 5 năm mới cưới và Tết này là Tết đầu tiên tôi được "nếm vị" làm dâu. Lúc chưa cưới, thấy mẹ chồng là đầu bếp của khách sạn 5 sao, lại đảm đang, chu toàn mọi việc trong nhà nên tôi rất lo lắng. Lúc nào cũng sợ mẹ sẽ đòi hỏi nàng dâu ít nhiều cũng phải bằng một phần của mẹ.
Nhưng không, kể từ ngày về làm dâu, tôi như được "giải phóng" hoàn toàn khỏi việc nhà. Khi còn ở với bố mẹ đẻ, tôi là út nhưng không được chiều chuộng vì nhà chỉ có hai chị em gái, chị gái lại bận tối mặt tối mũi nên hầu hết mọi việc trong nhà đều một tay tôi lo cả.
Mẹ tôi luôn tâm niệm, con gái phải biết vun vén, lo toan được mọi việc trong nhà nên từ 10 tuổi, mẹ đã dạy chị em tôi phải biết đi chợ, nấu ăn, rửa bát...nói chung là học hết cấp 1, cả hai chị em tôi đã thành thạo mọi việc trong nhà. Bố tôi lại là con trưởng nên Tết nhất, ba mẹ con tôi lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, tất bật trong bếp suốt kì nghỉ.
(Ảnh minh họa)
Nhưng từ ngày đi làm dâu lại khác, sáng ngủ dậy, mẹ chồng đã nấu ăn sáng, còn vắt sẵn nước cam và chuẩn bị đồ ăn trưa để tôi mang đi làm. Bà từng là đầu bếp khách sạn nên đồ ăn thì khỏi phải nói, ngày nào mấy chị công ty cũng trầm trồ rồi bảo tôi "số đỏ", có mẹ chồng vừa đảm lại vừa chiều con dâu.
Chiều đi làm về thì cơm canh đã dọn sẵn, tôi chỉ việc tắm rửa rồi xuống ăn. Thấy bà vất vả nấu nướng nên ăn xong tôi tranh phần dọn rửa nhưng chẳng bao giờ mẹ chồng để tôi dọn một mình. Ngày nào hai mẹ con cũng cùng nhau dọn dẹp xong xuôi, vừa dọn vừa kể chuyện ở cơ quan cho bà nghe. Nhiều khi, tôi có cảm giác bà còn tâm lý và chiều chuộng tôi hơn cả mẹ đẻ.
Tết năm nay, tôi phải làm việc đến hết ngày 29 mới được nghỉ nên cũng chẳng để ý được nhiều mẹ chuẩn bị Tết ra sao. Sáng 30, bố mẹ chồng về ngoại thành tảo mộ các cụ nên dặn tôi chuẩn bị cơm tất niên, chiều về bà cúng. Vốn cũng quen với việc bếp núc nên tôi có phần chủ quan, nghĩ bà đã chuẩn bị hết nguyên liệu rồi, chỉ nấu không thì vèo cái là xong. Thế là cả sáng cứ nằm ườn ngủ nướng, mãi mới dậy dọn dẹp, rồi hai vợ chồng lại đi chợ hoa chơi.
Đến chiều về lấy đồ ra để làm cơm mới biết chưa có gà. Tôi gọi điện hỏi thì mẹ chồng bảo phải thịt con gà bà nhốt trên sân thượng chứ không được mua gà ngoài chợ. Mà chiều 30 Tết rồi, tôi biết mang gà đi đâu để thịt? Cả tôi và chồng đều chưa bao giờ thịt gà.
Hai vợ chồng vật lộn với con gà cả mấy tiếng đồng hồ trên sân thượng, trời thì lạnh, gió rét buốt. Con gà bị thịt và vặt lông nham nhở trông khó mà chấp nhận được. Tôi nghĩ mình đã gây tội lớn, nên quyết định phương án bỏ con gà đi, ra chợ mua con gà khác luộc sẵn để thay thế.
Trong lúc bảo chồng ra chợ mua gà, tôi quay lại bếp để làm những món khác. Trời ơi, với cái danh sách cả chục món mà mẹ chồng dặn dò thế này thì dự tính của tôi đã thực sự bị phá sản. Chắc chắn tôi sẽ không thể kịp làm xong cơm trước khi ông bà về.
Tôi bỏ nguyên liệu các món ra bếp thôi mà đã la liệt như bãi chiến trường, thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Canh bóng, nộm, món xào thập cẩm, nem rán...toàn những món nhiều công đoạn lắt nhắt. Tôi vật lộn trong bếp cả tiếng đồng hồ vẫn chưa đâu vào đâu, chẳng món nào xong được. Đúng lúc đó, bố mẹ chồng tôi về đến nhà, tôi xác định sẵn tinh thần để nghe mắng nhưng không, bà chẳng mắng tôi câu nào.
Bà nhìn tôi tất tưởi thì cười phì rồi bảo: "Thôi, bỏ đấy, bàn giao bếp cho mẹ. Tí ăn tối xong, chuẩn bị quần áo đẹp, trang điểm cho xinh rồi đi chơi giao thừa chứ!"
Bà nói vậy nhưng làm sao mà tôi bỏ đấy được, thế là hai mẹ con lại cùng giải quyết đống rắc rối tôi gây ra trong bếp. Có sự chỉ đạo của bà, tôi đỡ luống cuống hơn hẳn. Ngoại trừ con gà bị "lỗi", hai mẹ con vèo cái xử lý xong mâm cơm tất niên.
Thế mới thấy, tôi may mắn biết nhường nào vì có mẹ chồng tâm lý, mẹ chồng cứ đối xử tốt với con dâu thì làm gì có chuyện "khác máu tanh lòng"!