Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đòn bẩy từ EVFTA trong bối cảnh bình thường mới

(VTC News) -

EVFTA thực thi hơn 1 năm nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra để tận dụng hiệu quả ưu đãi từ hiệp định, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 27/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội EuroCham tổ chức Diễn đàn “EVFTA – Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến kinh tế thương mại Việt Nam – EU.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến kinh tế, thương mại Việt Nam - EU sau khi EVFTA đi vào thực thi, nhận định thực tế hiệu quả tận dụng Hiệp định, đồng thời đưa ra những kịch bản, định hướng khôi phục và phát triển giao thương, đầu tư hai bên trong bối cảnh mới với đòn bẩy từ EVFTA.

Đồng thời cung cấp một kênh trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện, đa chiều dưới nhiều góc nhìn xác thực của các chuyên gia về xu hướng thị trường, triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp để thích nghi và tận dụng được những cơ hội thị trường mang lại.

Trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và các diễn biến phức tạp, khó lường của COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến sự tăng trưởng khả quan, ngay cả so với thời kỳ trước đại dịch. Kết quả ấn tượng này được nhận định có sự hỗ trợ đáng kể từ việc thực thi EVFTA.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU 1 năm từ khi Hiệp định đi vào hiệu lực đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kì với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,16 tỷ USD, tăng 12,4%.

Tuy nhiên, còn không ít vấn đề đặt ra trước mắt để tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Bên cạnh những thách thức khách quan từ bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức chủ quan từ nội tại doanh nghiệp và đặc thù thị trường.

Kể cả với lợi thế từ EVFTA, Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao và khắt khe với mục đích là bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Trong khi đó, xu hướng bảo hộ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản phi thuế quan từ EU ngày càng gia tăng. Đây vẫn là nút thắt lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú ý khi tiếp cận thị trường.

Trước bức tranh kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, cùng sự nổi lên của những xu hướng thương mại và đầu tư mới đang dần định hình và phát triển giai đoạn hậu COVID-19, các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để không bỏ lỡ nhịp tham gia sâu vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Hòa Bình

Tin mới