Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đổi mới phát thanh trên nền tảng số là 'sống còn'

Đổi mới phát thanh trên nền tảng số là nhiệm vụ “sống còn” để phát triển và khẳng định vị thế trong môi trường số hiện nay.

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại phiên thảo luận “Phát thanh năng động trong môi trường số” diễn ra chiều 16/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 tại TP.HCM.

Cơ hội lớn cho phát thanh trên nền tảng số

Phát biểu đề dẫn, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, phát thanh đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số.

Thực tế hiện nay, một số đài địa phương đã bắt đầu có sự quan tâm cho phát thanh, còn lại phần lớn vẫn nghiêng về truyền hình, chưa quan tâm đầu tư và hiểu được thực sự ưu thế, sức mạnh của phát thanh.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Thế nhưng, phát thanh có rất nhiều cơ hội trong quá trình chuyển đổi số. Một điều tra trên thế giới về lượng người nghe trên nền tảng podcast toàn cầu, trong năm 2019 có 275 triệu người nghe, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên gấp đôi. Từ đó cho thấy, nhu cầu về âm thanh, về nội dung audio trên nền tảng số là cơ hội rất lớn cho phát thanh.

Ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu chỉ nghĩ phát thanh là các sản phẩm được “đóng gói” để phát trên nền trảng truyền thống như AM, FM thì chưa đủ, mà cần phải nghĩ rộng hơn, môi trường số chính là môi trường thứ hai để phân phối các sản phẩm phát thanh.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, VOV có 8 kênh phát thanh, trong đó kênh VOV Giao thông nổi tiếng, được nhiều công chúng phía Nam biết đến.

Nguyên nhân là kênh xuất hiện vào thời điểm công chúng đang di chuyển nhưng vẫn cần thông tin, cùng với đó có sự đổi mới sáng tạo của đội ngũ làm chương trình. Đặc biệt, nội dung thông tin là những gì công chúng cần, và có sự tương tác, đồng hành cùng người nghe, tạo nên sức hấp dẫn, mang lại nhiều thành công về mặt thương mại.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng.

Ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong môi trường số và thực hiện thành công chuyển đổi số, cần nhận diện những khó khăn, thách thức của phát thanh hiện nay. Từ đó đề ra chiến lược để phát triển, thích ứng.

“Đặc trưng của phát thanh là chi phí rẻ hơn truyền hình, cần những kỹ năng rất chuyên sâu của những người làm phát thanh chuyên nghiệp, những người kể chuyện chuyên nghiệp. Còn nếu thực hiện tác phẩm phát thanh một cách "lớt phớt", không chuyên nghiệp, làm theo cách cũ thì không còn hấp dẫn nữa.

Bây giờ là thời kỳ bùng nổ thông tin, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng cũng khác, họ nghe thông tin là phải đi thẳng vào trái tim của sự kiện. Chúng ta phải đưa luôn những sự kiện quan trọng đến với công chúng. Thời kỳ này là thời kỳ thông tin tốc độ rất nhanh”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nhà báo phát thanh thay đổi trong môi trường nền tảng số

Tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Phan Văn Tú, Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng “phát sóng” mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp tư duy làm nghề.

Do vậy, nhà báo phát thanh cần chú trọng hơn đến kỹ năng nghiệp vụ đặc thù trước yêu cầu mới, cụ thể là về tư duy đa phương tiện, kỹ năng cá nhân hoá nội dung thông tin; phân tích dữ liệu thính giả và một số kỹ năng công nghệ khác.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Ông Phan Văn Tú nhìn nhận, những người làm phát thanh truyền thống thường tập trung vào kỹ năng diễn đạt, kỹ năng kể chuyện bằng âm thanh nhưng lại ít tư duy hình ảnh.

Hiện nay, nhà báo phát thanh cần có năng lực đa phương tiện, bao gồm khả năng tạo ra, biên tập, và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác. Đồng thời sử dụng các thủ thuật lan tỏa tác phẩm, mở rộng phạm vi tiếp cận đến công chúng và tăng cường tương tác với người nghe.

Các diễn giả là chuyên gia đầu ngành về phát thanh thảo luận về đổi mới để phát triển phát thanh trên nền tảng số.

Ths Phan Văn Tú cho rằng, yếu tố thân mật và riêng tư trong phát thanh là một đặc điểm độc đáo, giúp phát thanh trở nên khác biệt so với các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Để khai thác hiệu quả đặc trưng này, nhà báo cần có năng lực cá nhân hoá nội dung.

“Tôi nghĩ, nhà báo phát thanh cần phải rèn luyện để trở thành những chuyên gia kể chuyện, những chuyên gia có thể sử dụng được kỹ thuật của phát thanh truyền thống, để kể những câu chuyện trong các nền tảng mới có duyên hơn, hấp dẫn hơn và thu hút được người nghe hơn.

Chúng ta cần khai thác các yếu tố tương tác của phát thanh hiện đại mà nó cho phép. Tất nhiên không phải đến bây giờ câu chuyện tương tác mới được đặt ra. Nhưng bây giờ nền tảng số cho phép chúng ta mở rộng không gian tương tác hơn”, ông Phan Văn Tú cho hay.

Thay đổi tư duy phát thanh

Chia sẻ tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM nhìn nhận, thực tế một bộ phận không nhỏ nhà báo phát thanh hiện nay có sự trì trệ, nặng theo lối mòn, do đó học những cái mới rất khó. Nhân sự già cỗi, tinh giản biên chế, không được thay thế nguồn lao động mới là một thách thức rất lớn để thay đổi được phát thanh trong môi trường số.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, nên tạo động lực cho những người lớn tuổi sáng tạo. Thị trường tiêu thụ thông tin trong bối cảnh cả thế giới đang dần già hóa dân số, do đó không nên bị áp lực bởi nhân lực làm báo phát thanh.

“Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, chúng ta có nhiều công cụ trong tay hơn, có nhiều phương thức sản xuất hơn. Ngày xưa tin tức có thể là công thức 5W 4H, nhưng bây giờ cũng có thể chỉ là thông báo. Chúng ta cũng phải định nghĩa lại công chúng của mình”, nhà báo Phạm Trung Tuyến cho biết.

Nhiều sinh viên đang theo học báo chí chăm chú theo dõi các chuyên gia trao đổi.

Còn theo TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) những người lớn tuổi của phát thanh lại là thế mạnh. Ông Kiền cho rằng, 2 đặc điểm ưu việt của phát thanh không thể thay thế được là tính tiện dụng và sự gần gũi, tâm tình, trong đó những người làm phát thanh càng lớn tuổi càng làm tốt sự tâm tình đó. 

Các đại biểu cũng đồng tình, việc đầu tư cho nền tảng số cần tập trung đi vào sản xuất đời sống lâu dài, đi sâu vào dẫn dắt chứ không dừng lại ở tin tức, vì tin tức có vòng đời rất ngắn.

Nền tảng số mở ra một cánh cửa mới cho phát thanh nhưng nếu không giữ được câu chuyện hay, có lối kể chuyện độc đáo thì cũng không hấp dẫn, không giữ được công chúng ở lại.

Kim Dung (VOV-TP.HCM)

Tin mới