Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đối diện nguy cơ phá sản, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời kêu cứu

(VTC News) -

Hàng loạt công ty điện mặt trời tại Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đối diện nguy cơ phá sản vì buộc tiết giảm công suất, sa thải sản lượng điện.

Gần 30 công ty đầu tư điện mặt trời (ĐMT) tại tỉnh Kon Tum vừa gửi đơn đến Công ty Điện lực Kon Tum, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung phản đối việc bị buộc phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện.

Buộc cắt giảm công suất, loạt doanh nghiệp nguy cơ phá sản

Theo đó, các doanh nghiệp này nhận được văn bản của Công ty Điện lực Kon Tum thông báo dự kiến phương thức, mức huy động công suất các hệ thống ĐMT tại tỉnh Kon Tum từ ngày 20/9 đến 31/12/2021 là 40,68%/tổng công suất.

Các nhà đầu tư này không đồng ý giảm công suất huy động như văn bản của Công ty Điện lực Kon Tum vì ảnh hưởng trực tiếp lợi ích doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà đầu tư đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Kon Tum làm rõ cơ sở pháp lý của việc đơn phương giảm công suất huy động trước khi thực hiện.

Các nhà máy điện mặt trời tại Kon Tum buộc phải tiết giảm công suất theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đại diện đứng đơn tập thể cho biết, với mức huy động rất thấp là 40,68% công suất, các doanh nghiệp ĐMT sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, không có nguồn để thanh toán nợ vay ngân hàng, chi trả chi phí vận hành hằng tháng cũng như trả lương cho công nhân, khiến nguy cơ phá sản doanh nghiệp cận kề.

Bên cạnh đó, việc đơn phương cắt giảm sản lượng là đi ngược lại với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng; Vi phạm nghiêm trọng hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên”, đơn kiến nghị nêu.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH PFT (đồng đứng đơn), để đầu tư 1 kW ĐMT, các doanh nghiệp phải bỏ chi phí khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng một nhà máy ĐMT có công suất 1MW thì tổng mức đầu doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 15-20 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp, công ty khi đầu tư xây dựng nhà máy ĐMT đều phải vốn vay từ các tổ chức tín dụng, chiếm tỷ lệ từ 70-80% tổng mức đầu tư với lãi suất dao động từ 9,5-12%/năm tùy từng tổ chức tín dụng. Trước đó, từ tháng 2/2020, EVN đã thực hiện sa thải, tiết giảm đối với hệ thống ĐMT, doanh nghiệp đã rất khó khăn. Nay tiếp tục bắt buộc tiết giảm, sa thải sẽ đẩy các doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, đại diện Công ty PFT nêu.

Theo trình bày của của các doanh nghiệp, việc bắt buộc tiết giảm công suất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của nhà đầu tư vì áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án là rất lớn.

Điều này sẽ đẩy các nhà đầu tư ĐMT đối diện nguy cơ phá sản rất rõ ràng. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây hệ lụy lớn, có tính chất dây chuyền, ảnh hưởng không chỉ doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư ĐMT mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nói chung”, đại điện Công ty TNHH ĐT&PT CN Vạn Phát nhận định.

Ngành điện nói gì?

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp đề nghị Công ty Điện lực Kon Tum làm rõ cơ sở pháp lý của việc đơn phương giảm công suất huy động theo Văn bản 3712/KTPC-KD+ĐĐ ngày 20/9/2021, hoặc có buổi làm việc trực tiếp với khách hàng vào ngày 24/9.

Tuy nhiên, đến ngày 30/9, Công ty điện lực Kon Tum vẫn chưa bố trí buổi làm việc mà có văn bản phản hồi với nội dung chưa thể tổ chức được buổi làm việc. Công ty điện lực Kon Tum cho biết sẽ bố trí buổi là việc trong thời gian sớm nhất và sẽ thông báo trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời lo lắng trước nguy cơ phá sản.

Ngày 30/9, trả lời VTC News về những thắc mắc, kiến nghị của các nhà đầu tư ĐMT, lãnh đạo Tổng Công ty điện lực Miền Trung cho biết, hiện đơn vị đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo lên EVN.

Đơn vị thực hiện theo chỉ đạo, sự phân bổ của tập đoàn EVN nên chúng tôi đã có báo cáo sự việc lên tập đoàn”, vị lãnh đạo này cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Tổng Công ty điện lực Miền Trung, điện là dạng năng lượng không thể tồn kho được, sản xuất bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu nên khi nguồn tiêu thụ giảm dẫn đến tình trạng dư nguồn cung thì nguyên tắc các nhà máy phải tiết giảm công suất để tránh rủi ro cho hệ thống điện quốc gia.

“Chúng tôi cũng chia sẻ với những bức xúc, khó khăn của doanh nghiệp nhưng ngành điện cũng rơi vào thế khó. Thực tế hiện nay không chỉ các nhà máy ĐMT ở Kon Tum, các tỉnh Tây Nguyên mà tình trạng này còn xảy ra ở các tỉnh phía Nam”, vị lãnh đạo nói thêm.

Trong khi đó, trả lời VTC News ngày 8/10, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh nên việc huy động phát điện cũng phải giảm đi để đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện.

Theo số liệu từ EVN, tính đến cuối 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Còn tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.

Tuy nhiên, tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện. Nhiều thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h - 14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Nhưng vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW.

Năm 2021, theo dự kiến của EVN, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này). Trong 6 tháng đầu năm 2021, điều độ quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/điện mặt trời mái nhà lớn nhất, lên đến hàng nghìn MW.

Đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện”, đại diện EVN cho hay.

Theo giới chuyên gia, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do sự phát triển quá nóng của điện mặt trời thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quá tải, phải giảm phát công suất.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có đặc điểm chung đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn do chi phí cao. Việc đầu tư điện mặt trời lại diễn ra rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải, phân phối chưa kịp bổ sung.

Ngoài ra, đa số các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như miền Nam, Nam Trung Bộ. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm khi điện mặt trời phát cao.

Tại một số thời điểm như ngày nghỉ cuối tuần, Tết, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khiến phụ tải giảm thấp hơn kế hoạch, dẫn đến tình trạng quá tải một số nguồn điện.

XUÂN TIẾN

Tin mới