Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh số điện thoại gập của Samsung 'cắm đầu'

(VTC News) -

Với sự vươn lên của Huawei và nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc trong phân khúc điện thoại gập, những mẫu smartphone của Samsung đang yếu thế rõ rệt.

Theo thống kê của công ty tư vấn chuỗi cung ứng màn hình DSCC, ở quý cuối cùng của năm 2023, thị trường điện thoại gập toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, tổng lượng máy bán ra trong 3 tháng từ 9 tới 12 đạt 4,2 triệu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước đó. Samsung vẫn dẫn đầu thị trường dù bộ đôi Galaxy Z Fold5 và Flip5 bán thấp hơn kỳ vọng.

Trong khi đó, Huawei hứa hẹn là "ngôi sao sáng" trở lại thị trường, khi 2 model gập của hãng là Mate X5 và Pocket 2 đều tăng trưởng tốt. Thậm chí, DSCC dự đoán với đà hiện nay, Huawei sẽ dẫn đầu thị phần smartphone gập trong ít nhất 2 quý đầu năm 2024.

Samsung có thể mất "ngôi vương" ở thị trường điện thoại gập từ đầu năm 2024, theo DSCC.

Năm mẫu điện thoại gập được ưa chuộng hàng đầu hiện nay gồm Samsung Galaxy Z Flip5, Huawei Mate X3, Honor Magic Vs2, Samsung Galaxy Z Fold5 và Oppo Find N3 Flip.

Nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc chiếm 4 vị trí trong Top 10, còn lại đều thuộc về tay các hãng Trung Quốc gồm: Oppo và Honor mỗi đơn vị 2 máy, Huawei và Xiaomi chia nhau 2 vị trí còn lại.

Phải tới tháng 7 hoặc tháng 8/2024, Samsung mới ra bộ đôi điện thoại gập Galaxy Z thứ 6, do vậy các chuyên gia công nghệ dự đoán nhu cầu mua sắm sản phẩm của hãng này sẽ chững lại bởi tâm lý chờ đợi, cân nhắc của người dùng xem nên lựa chọn model mới hay mua máy đời trước với mức giá rẻ hơn.

Huawei sẽ có tới 6 tháng để củng cố khả năng vươn lên dẫn đầu doanh số thị trường smartphone gập của mình. Tới quý 3/2024 có thể chứng kiến một cuộc đổi ngôi khi loạt máy mới ra mắt.

Dữ liệu nghiên cứu thị trường của DSCC cho thấy những quý gần đây, doanh số điện thoại gập của Samsung liên tục giảm mạnh, tuy chưa đến mức "rơi thẳng đứng" nhưng cũng "cắm đầu", trong khi các hãng khác có sự xê dịch nhẹ hoặc đi lên rõ rệt (như trường hợp của Huawei).

Việc Samsung dẫn dầu thị trường thời gian dài là dễ hiểu khi đây là hãng đầu tiên thương mại hóa thiết kế điện thoại gập trên thị trường.

Tuy nhiên trải qua đến 5 đời máy, Samsung vẫn chưa thể khắc phục được vết gập hằn lên rõ ràng trên màn hình tại vị trí bản lề, bị đánh giá là "kém thẩm mỹ", gây thiếu liền mạch trong trải nghiệm vuốt, chạm và đặc biệt "mất điểm" nếu đem so với các model đến từ nhà sản xuất Trung Quốc.

Lấy ví dụ Oppo, trong lần đưa Find N2 Flip ra thị trường, thiết bị này đã gần như không để lại vết gập. Sang tới thế hệ Find N3 Flip, Find N3 (mẫu cao cấp gập dạng sách như Galaxy Z Fold), Oppo thậm chí còn cải thiện rõ rệt vấn đề này.

Hay như chiếc Huawei Mate X3, Mate X5 cũng tương tự khi màn hình liền mạch hơn nhiều so với đối thủ xứ Kim chi.

Chiếc Galaxy Z Flip5 (trên) lộ rõ vết gập màn hình khi đặt cạnh Oppo Find N3 Flip dù Samsung đi trước nhiều năm về công nghệ cũng như nghiên cứu, phát triển màn hình dẻo có thể gập lại

Trở lại với thị trường chung, một trong những trở ngại khi tiếp cận smartphone gập hiện nay là mức giá khi cùng cấu hình, model màn dẻo thường đắt hơn máy dạng thanh phổ thông.

Lý do khác là sự bất ổn trong chất lượng màn hình gập, điều dù vô tình hay hữu ý đều do ảnh hưởng rất lớn từ "người dẫn đầu thị trường" khi thực tế các model gập của hãng có tỉ lệ hỏng màn hình cao, trong khi chính sách bảo hành và thay thế nhiều khi làm khó người dùng. Chi phí thay mới màn hình gập lại không hề rẻ ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy giới quan sát cũng nhận thấy có xu hướng "hạ nhiệt" giá thành khi nhà sản xuất phải điều chỉnh để có thể giữ chân khách hàng. Không chỉ giá mở bán có xu hướng rẻ hơn, khả năng giữ giá của điện thoại gập cũng kém hơn điện thoại thanh thẳng. Nhiều mẫu tụt giá nhanh chóng khiến người dùng mất hàng chục triệu đồng nếu mua sớm ở thời điểm ra mắt so với việc chờ đợi 3 hoặc 6 tháng sau đó.

Tùng Trịnh

Tin mới