Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp tung đủ chiêu giành giật lao động

(VTC News) -

Nhu cầu tuyển dụng lớn trong khi nguồn cung ít, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để chạy đua giành giật, giữ chân lao động cho cuộc cạnh tranh sống còn.

Sau nhiều tháng không tìm nổi lao động, lãnh đạo Công ty TNHH Leo Jins Việt Nam (Đồng Văn, Hà Nam) đã phải cắt cử người cài cắm ở nhiều địa phương để "săn đầu người", thậm chí là đến tận nhà để mời chào, thuyết phục những công nhân may giỏi tay nghề. Doanh nghiệp này còn "chịu chơi" sẵn sàng chi cho người "dẫn mối" 500.000 đồng nếu giới thiệu được nhân sự phù hợp. Còn nếu người dẫn mối lại là công nhân của doanh nghiệp thì sẽ được phép nghỉ thêm một ngày trong tháng kế tiếp mà vẫn được nhận đầy đủ tiền lương.

Trong khi đó tại trụ sở, doanh nghiệp cũng phân công hai cán bộ thường trực để đón người ứng tuyển và tiếp nhận hồ sơ. Những tấm băng rôn tuyển dụng được treo trên tường, cổng doanh nghiệp, với những lời mời chào hấp dẫn như: "Nhận ngay 200.000 đồng sau 30 phút đến kiểm tra tay nghề”... Tìm đủ cách như thế nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn đang "chết đói" nhân sự. 

“Từ vài tháng nay, do cần tuyển hơn 300 lao động nên chúng tôi treo bảng tin, thậm chí đưa thông tin tuyển dụng lên facebook, zalo, trang web và cử người đến các địa phương vận động, nhờ các công ty tuyển dụng nhân sự hỗ trợ nhưng vẫn chưa tuyển được một người nào. Nếu không tuyển được người, trong tháng tư này, chúng tôi cũng phải vào làm việc trực tiếp và sẽ bị trừ lương vì không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, chúng tôi tiếp tục tìm cách phải tuyển được người”, bà Trần Hải Yến, cán bộ nhân sự nói.

Băng rôn tuyển dụng nhân sự được giăng đầy ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam).

Cũng đau đầu tìm nhân sự mới cho quá trình hồi phục kinh tế sau thời gian lao đao vì COVID-19, Công ty CP Sung Hyun Vina (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tìm đủ cách để lôi kéo người lao động. Doanh nghiệp này cam kết đảm bảo mức mức thu nhập hàng tháng 12 triệu đồng cho mỗi lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp còn không ngần ngại đưa ra khẩu hiệu: "Nộp hồ sơ hôm nay, ngày mai đi làm việc ngay”.

Còn tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương), Công ty TNHH Thêu Nam Phong cũng thông báo tuyển nhiều vị trí: nhân viên bảo trì máy thêu, vận hành máy thêu điện, kiểm hàng… Đơn vị này nhấn mạnh, công nhân được nhận việc ngay, được đào tạo nếu không có kinh nghiệm.

Tung đủ khoản thưởng "xưa nay hiếm"

Hầu hết các doanh nghiệp đều đang "show" mức thu nhập, đánh vào tâm lý nhân sự để dễ dàng cạnh tranh với các đối thủ hơn. Tại khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM, nhiều công ty tuyển công nhân lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, thợ may, kỹ thuật thiết kế rập, thợ cắt…với tổng thu nhập được công bố đến 16 triệu đồng/tháng. Các bảng thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp ghi rất rõ các chế độ đãi ngộ dành cho người lao động.

Một "chiêu" khác để tuyển dụng và giữ chân người lao động ở lại làm việc đó là doanh nghiệp liên tục đưa ra chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Anh Phạm Hồng Trường, bộ phận tuyển dụng của một công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp tung đủ cách để thu hút và giữ chân công nhân, đặc biệt là công nhân có tay nghề. Bên cạnh lương, chế độ bảo hiểm ổn định thì doanh nghiệp sẵn sàng chi các chế độ phúc lợi như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp nặng nhọc, phụ cấp tiền xăng, tiền nhà, tiền nuôi con nhỏ…

“Những khoản này tuy nhỏ nhưng cộng gộp lại thì mỗi tháng người lao động cũng được thêm cả triệu đồng. Chính khoản đó sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp”, anh Trường nói.

Đáng chú ý, nhiều công ty còn đưa ra các chế độ "xưa nay hiếm" như thưởng tuân thủ nội quy, năng suất, hỗ trợ tiền nhà trọ, giữ trẻ, ốm đau, hiếu hỷ, tiền chuyên cần, xăng xe, cơm trưa... Thậm chí, có doanh nghiệp thông báo: “Có tiền thưởng liên tục 6 tháng cho người giới thiệu công nhân mới”…

Đại diện bộ phận nhân sự Công ty Nidec Tosok VN (Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, mức thu nhập của công nhân tại doanh nghiệp bình quân trên 8 triệu đồng/tháng kèm hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, thưởng chuyên cần… Ngoài ra, công ty còn có thêm các chế độ “khích lệ vào công ty”: ký hợp đồng đủ 1 tháng: 1 triệu đồng, sau 2 tháng: 500.000 đồng. Đối với công nhân chưa có nhà trọ được công ty sắp xếp chỗ ở 2 tháng miễn phí, có nhà trọ được hỗ trợ tiền nhà tháng đầu 600.000 đồng…

Nhiều doanh nghiệp khác cho biết, hiện công ty nào cũng đưa ra chính sách để thu hút người lao động nên sức cạnh tranh và giữ chân, thu hút lao động là rất khó.

“Bây giờ lao động có nhiều lựa chọn, mà doanh nghiệp nào cũng có chính sách nên mình không thể giữ chân được người lao động khi họ có nguyện vọng muốn nhảy việc. Quan trọng nhất là phải nâng cao thu nhập, công việc ổn định, chính sách an sinh tốt thì người lao động mới yên tâm gắn bó. Còn công ty mà không quản trị tốt, quản lý tốt, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh thì người lao động chắc chắn không gắn bó”, anh Nguyễn Văn Đức, cán bộ nhân sự công ty TNHH Dosung Vina bật mí.

Nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển lao động, dù đã treo biển tuyển dụng cách đây nhiều tháng.

Khát lao động, doanh nghiệp phải “vơ bèo vạt tép”

Không ít doanh nghiệp ở Hà Nam cho biết, vì thiếu lao động và tuyển rất khó nên đã phải chấp nhận tuyển lao động có độ tuổi từ 18- 50, thậm chí là 55 tuổi, miễn là có sức khỏe và có thể đi làm được.

Công ty TNHH Dosung Vina, chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nam là một ví dụ. Công ty này đã phải treo bảng tuyển lao động thời vụ đi làm ngay, độ tuổi từ 18-45, thu nhập từ 8-12 triệu, làm ca ngày, ca đêm và được hỗ trợ 100% hai bữa ăn, đồng thời công ty này cũng không thu bất cứ khoản phí nào đối với nhân sự tuyển dụng.

Không chỉ khó tuyển người mới mà nhiều doanh nghiệp còn lo ngay ngáy công nhân nhảy việc từ nơi này sang nơi khác.

Anh Trần Văn Khoa, quê ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, năm 2004 anh làm công nhân tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Công việc vất vả, thu nhập không nhiều, phải chi tiền thuê nhà trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt và các phụ phí khác, năm 2014 anh trở về quê xin làm tại cụm công nghiệp Lưu Xá, Quất Động, Thường Tín.

"Vừa về quê vài ngày, tôi đi nộp hồ sơ rồi đi làm ngay với mức lương gần 5 triệu, cao hơn hẳn nhà máy ở trong Đồng Nai. Trong 8 năm qua, tôi đã 5 lần chuyển công ty khác nhau. Tất nhiên, những công ty đến làm việc sau đều có chính sách đãi ngộ và mức thu nhập tốt hơn các công ty trước ”, anh Khoa cho biết.

Dù biết mỗi khi người lao động nhảy việc doanh nghiệp lại thiếu nhân sự và phải tuyển mới, đào tạo mới rất mất thời gian nhưng các công ty cũng chỉ biết động viên người lao động ở lại làm việc. Nếu họ kiên quyết ra đi thì đành chấp nhận thực hiện theo đúng Luật Lao động.

“Đây là khó khăn lớn đối với các công ty trong việc triển khai nhiệm vụ và ký các đơn hàng với đối tác”, một cán bộ nhân sự của Công ty TNHH DMK Global Vina, doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ tùng ô tô nói.

PHẠM DUY

Tin mới