Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) vừa có văn bản số 98/CV-HH phản ánh tình hình khó khăn và kiến nghị cho các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19.
Theo đó, VAA đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bình đẳng như doanh nghiệp của các ngành nghề khác.
Hoạt động quảng cáo trong hai năm 2020-2021 khốn đốn do COVID-19.
Theo khảo sát năm 2020 của OOH Club, 97,7% thành viên của Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) bị giảm doanh thu do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Cụ thể, 36,7% doanh nghiệp giảm từ 20 - 40% doanh thu; 30% doanh nghiệp giảm từ 40 - 60%; 23,3% doanh nghiệp giảm trên 60% doanh thu. Trong đó hơn 50% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô kinh doanh.
Tình hình năm 2021 càng tồi tệ hơn khi đại dịch liên tục bùng phát, lan rộng tại nhiều địa phương. Nguồn lực tài chính cạn kiệt khiến nhiều công ty quảng cáo đã phải đóng cửa. Các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, cung ứng vật tư, thiết bị quảng cáo... hầu như tê liệt mọi hoạt động vì vắng khách. Quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh bị giảm sút nặng nề và bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội chưa được quản lý triệt để.
Vật tư, thiết bị, phương tiện sản xuất của các doanh nghiệp quảng cáo chủ yếu nhập từ nước ngoài, nay không nhập khẩu được. Thêm nữa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, vật tư tồn trong các kho trong nước không được luân chuyển, doanh nghiệp dù có việc cũng không tổ chức sản xuất được.
Trong khi đó, giá thuê vị trí quảng cáo trên đất công ở nhiều tỉnh, thành không được giảm hoặc gia hạn mặc dù Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và doanh nghiệp đã có văn bản đề xuất với các địa phương.
Việc sửa chữa, bảo dưỡng bảng quảng cáo định kỳ theo hợp đồng với khách hàng không thực hiện được do quảng cáo không được đưa vào diện dịch vụ, hàng hóa thiết yếu nên doanh nghiệp không được cấp giấy đi đường.
Giao thương bị hạn chế, hợp đồng kinh doanh bị cắt giảm, thị trường bị thu hẹp, nguồn vốn cạn kiệt, thiếu vốn kinh doanh, trong khi đó chi phí thường xuyên (thuê địa điểm quảng cáo, nhà xưởng, kho bãi, nhân công...) không được giảm, người lao động mất công ăn việc làm…
Khó khăn như vậy nhưng các doanh nghiệp quảng cáo không được tiếp cận chính sách hỗ trợ thuế, vay vốn ngân hàng hoặc giảm giá thuê đất của Chính phủ. Có cơ quan quản lý cho rằng doanh nghiệp quảng cáo không được Nghị định 41 năm 2020 của Chính phủ “Về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất” liệt kê là đối tượng áp dụng tại điểm C, khoản 2, điều 2 nên không giải quyết hỗ trợ.
VAA kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó cấp bách nhất là xem xét cho các doanh nghiệp được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi và đặc biệt là sớm dỡ bỏ các hạn chế giao thương để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, VAA đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021; cho các doanh nghiệp được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.
Trong thời gian còn duy trì giãn cách, VAA đề nghị cấp giấy đi đường cho nhân viên đã tiêm phòng vaccine của các doanh nghiệp quảng cáo để làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng, giữ uy tín với khách hàng.
VAA kỳ vọng các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua dịch COVID-19, nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.