Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp công nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8%

(VTC News) -

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 125,8 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp công nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với tháng trước.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2023, cả nước có hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 125,8 nghìn tỷ đồng, số lao động trong tháng 10 đăng ký gần 131,6 nghìn người.

So với tháng 9/2023, những con số này tăng lần lượt 21,7%, 7,4% và 64,3%; so với cùng kỳ năm trước, tăng 18,5%, 17,7% và 71,2%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,2 tỷ đồng, giảm 11,7% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng đăng ký thành lập mới tăng 0,8% là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Trong 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng đăng ký thành lập mới tăng 0,8% là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế (Ảnh minh hoạ).

Tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 131,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.212,6 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 880 nghìn lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2023 là 2.861,4 nghìn tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp tăng vốn là 1.648,7 nghìn tỷ đồng, giảm 41%.

Bên cạnh đó, còn có 51,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2023 lên 183,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng theo thống kê, 10 tháng năm nay có 1.427 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước; 31,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 0,8%; hơn 99 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 6,4%.

Cũng trong tháng 10, có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2022; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 81 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 50,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9%; 14,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,5%. Bình quân một tháng có 14,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tỷ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp thành lập mới tăng một lần nữa minh chứng cho sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Cũng đồng thời cho thấy những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã phát huy hiệu quả tích cực.

Riêng Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính.

Tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ hiệp định thương mại đã ký kết.

PHẠM DUY

Tin mới