Đó là một trong những nội dung của quy trình xử lý vi phạm tại các tuyến đường tổ chức cho ôtô đậu thu phí theo giờ vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM gửi các sở - ngành và địa phương liên quan góp ý.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh sau hơn 1 năm triển khai, tình trạng thất thu ở 23 tuyến đường đang tổ chức cho ôtô đậu có thu phí vẫn diễn ra trầm trọng. Trong đó, thiếu biện pháp xử phạt và trách nhiệm phối hợp giữa các bên liên quan là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Với quy trình trên, Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ đảm bảo sự thống nhất của hoạt động xử lý vi phạm hành chính với các vi phạm về sử dụng tạm lòng đường để đỗ ôtô trên địa bàn.
Có 4 hành vi sẽ bị xử phạt, gồm: Không đăng ký trả phí đỗ xe (đỗ xe nhưng không trả tiền); đỗ xe quá thời gian đăng ký; đăng ký trả phí sai loại xe, sai mức phí và đăng ký trả phí sai mã bãi đỗ.
Theo quy trình, trách nhiệm thực hiện sẽ bao gồm lãnh đạo Sở Tài chính, Cục thuế thành phố, Sở GTVT và UBND các quận - huyện, phường - xã...
Đường Lê Lai - một trong 23 tuyến đường đang tổ chức thu phí ôtô đậu dưới lòng đường.
Sẽ có 4 bước để thực hiện theo quy trình này. Đầu tiên là phát hiện và dán phiếu hướng dẫn nộp phí đỗ xe (phiếu nhắc nhở). Việc phát hiện sẽ do nhân viên thu phí hoặc qua camera, ứng dụng, sau đó hệ thống gửi cảnh báo cho người vi phạm qua tài khoản đăng ký.
Nhân viên thu phí cũng nhận được thông báo xe vi phạm để nhắc nhở, hướng dẫn khi người vi phạm có mặt tại hiện trường. Nếu người vi phạm không có mặt, nhân viên sẽ dán phiếu hướng dẫn nộp phí trên kính xe, nội dung gồm: Biển số xe, thời gian phát hiện vi phạm, hình ảnh vi phạm (lưu trên hệ thống) và loại vi phạm, kèm theo ghi chú các thông tin thực hiện.
Với bước thứ 2, người vi phạm có thể trả phí qua số điện thoại, ứng dụng, website hoặc nhân viên thu phí trong thời gian 3 ngày, từ khi lập phiếu nhắc nhở.
Bước 3, nếu người vi phạm chưa trả nợ phí đỗ xe, thông tin ôtô vi phạm sẽ được công bố trên website và các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ phương tiện cần liên hệ UBND phường nơi đỗ xe để lập hồ sơ xử phạt (sau thời gian 3 ngày kể từ khi lập phiếu nhắc nhở).
Trách nhiệm của các bên liên quan được quy định rõ ràng được xem là một biện pháp hạn chế tình trạng thất thu.
Về nội dung này, Sở GTVT cũng lưu ý sau 3 ngày kể từ khi lập phiếu nhắc nhở, hệ thống phải thiết lập được một hồ sơ vi phạm theo biển số xe với vi phạm lần đầu và cập nhật vi phạm đối với những xe đã vi phạm trước đó. Các thao tác này do đơn vị quản lý hệ thống thực hiện.
Sở GTVT cho rằng nên nghiên cứu phương án người vi phạm có thể đến bất kỳ UBND phường nào có bãi đỗ trên địa bàn để lập hồ sơ xử phạt bởi tất cả những lần vi phạm đều được lưu trữ, cập nhật trên hệ thống chung.
Khi người vi phạm trả nợ phí đỗ xe thì phải trả hết tất cả các lần vi phạm liên quan đến phương tiện đó mới được xóa vi phạm trên hệ thống chung và mới có thể tiếp tục đăng ký đỗ xe trả phí cho phương tiện... Để thực hiện bước này, Sở GTVT đề nghị các phường cần trang bị công nghệ, tập huấn việc xử lý vi phạm.
Cuối cùng, Sở GTVT xây dựng biện pháp chế tài khi người vi phạm không tự nguyện trả nợ phí. Cụ thể, sau 3 ngày từ khi lập phiếu nhắc nhở, hệ thống đã có hồ sơ vi phạm nên ngoài việc hông tin vi phạm được công bố, một thông báo sẽ gửi đến người vi phạm trong thời gian 10-15 ngày.
Sau 15-30 ngày từ khi lập phiếu nhắc nhở, người vi phạm chưa chấp hành trả nợ phí và chưa đến UBND phường lập hồ sơ vi phạm thì các đơn vị sẽ thông báo cho Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm phương tiện.
Thao tác này do UBND phường thực hiện trên cơ sở danh sách đã có sẵn trên hệ thống chung.