Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều quan trọng nhất trong kế hoạch hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc

(VTC News) -

Theo các chuyên gia của USIP, bản đề xuất của Trung Quốc về kế hoạch hòa bình cho Ukraine cho thấy phần nào quan điểm của Bắc Kinh về xung đột này.

Một năm chiến sự Nga – Ukraine diễn ra, Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm để giải quyết xung đột. Theo Bloomberg, bản kế hoạch của Trung Quốc bao gồm các điểm: Tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia; Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh; Chấm dứt chiến sự; Nối lại các cuộc đàm phán hòa bình; Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo; Bảo vệ người dân và các tù binh chiến tranh; Giữ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; Giảm các rủi ro chiến lược; Tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc; Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và Thúc đẩy tái thiết sau xung đột.

Theo tiến sĩ Carla Freeman và tiến sĩ Andrew Scobell, hai chuyên gia về Trung Quốc trả lời trong bài bình luận của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), kế hoạch của Trung Quốc khó có khả năng thành công vì "không có nhiều đề xuất cụ thể và chắc chắn" được đưa ra. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa thể hiện lập trường rõ ràng về những gì nước này có thể làm liên quan đến đề xuất.

Tuy nhiên, hai chuyên gia nhận định, “tuyên bố của Bắc Kinh về việc phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là điểm quan trọng nhất trong các đề xuất”, trong bối cảnh căng thẳng leo thang và có nhiều lo ngại về nguy cơ sử dụng loại vũ khí này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hội nghị thượng đỉnh ở Thượng Hải, ngày 21/5/2014. (Ảnh: Mark Ralston/The New York Times)

Trước đó, Trung Quốc cũng phát hành “văn bản khái niệm” về “Sáng kiến an ninh toàn cầu” (GSI) – lần đầu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến năm 2022. Danh sách các nguyên tắc được đề cập trong văn bản mới, theo các chuyên gia, có thể hé lộ cách tiếp cận của Bắc Kinh với vấn đề Ukraine.

Tài liệu bắt đầu với “tầm nhìn” nhằm ngăn chặn xung đột và duy trì an ninh. Tiếp theo là nhấn mạnh vào “các chuẩn mực cơ bản” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra, tài liệu GSI thúc đẩy Liên hợp quốc và các khuôn khổ nhất định của Liên hợp quốc là nguồn cốt lõi của an ninh toàn cầu, đồng thời đề cập vai trò của các nhóm khu vực, trong đó Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo hoặc ảnh hưởng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. "Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc một ngày trước đó chỉ trích vai trò của Mỹ là một tác nhân an ninh toàn cầu, văn bản GSI miêu tả Trung Quốc là nguồn gốc của một cách tiếp cận đa phương hơn, mới về mặt khái niệm hơn đối với an ninh toàn cầu", chuyên gia Freeman nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh một số yếu tố trong đề xuất của Trung Quốc - như nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào không dẫn đến việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine đều là một sự thất bại. Ông Zelensky cũng bày tỏ ý định gặp ông Tập, mặc dù chưa tiết lộ cụ thể. 

Nga cũng hoan nghênh các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine và cho biết sẵn sàng đàm phán hoà bình. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Ukraine phải công nhận "thực tế lãnh thổ mới" ở những khu vực Nga sáp nhập gồm Donetsk, Lukhansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như Crimea trước đó.

Nhận định chung về mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Moskva và Washington, theo ông Scobell, khi nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị đến Moskva sau khi thăm hàng loạt thành phố châu Âu, sự “thoải mái” khi gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khác hoàn toàn với ngôn ngữ gay gắt dành cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị an ninh Munich. “Một chi tiết cũng nói lên nhiều điều là những nơi ông Vương đã không đến: Washington và Kiev. Trong khi đó ông Blinken chuẩn bị đến thăm Bắc Kinh nhưng hủy bỏ vì sự cố khinh khí cầu”, Scobell nói. 

Phương Anh (Nguồn: USIP )

Tin mới