Trang Ngôisao.net dẫn lại chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng trên tờ Eat This cho biết, nếu có loại thực phẩm nào gây tranh cãi về tính lành mạnh thì đó là trứng. Nhiều năm qua, trứng được coi là nguyên nhân của mọi thứ, từ ví dụ về thực phẩm hoàn hảo đến điềm báo đáng sợ của bệnh tim. Dù khoa học hiện nay dường như xác nhận rằng trứng rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều trứng vẫn là điều cần lưu ý.
Trứng là loại thực phẩm ít chế biến, ít calo, chứa 6 gam protein mỗi quả, một lượng chất béo không bão hòa đơn cao đáng ngạc nhiên, choline tăng cường trí não và lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa được biết đến với tác dụng hỗ trợ sức khỏe mắt. Chúng không chứa đường và có hàm lượng natri tự nhiên thấp. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng những người ăn trứng có nhiều khả năng tiêu thụ chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều trứng có thể gây ra một số rủi ro cho một số người, đặc biệt là những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định.
Ăn trứng có thể giúp não bộ khỏe mạnh, hạn chế mắc các vấn đề về thần kinh.
Tác dụng phụ khi ăn nhiều trứng mỗi ngày
Nguy cơ tiêu thụ quá nhiều cholesterol
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ trên Báo Sức khoẻ đời sống, một quả trứng gà trung bình chứa 187mg cholesterol. Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ từng khuyến nghị mỗi người không hấp thụ quá 300mg/ngày.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị, nên ăn càng ít cholesterol càng tốt. Nếu ăn nhiều hơn 2 quả trứng mỗi ngày, cùng với các loại thực phẩm khác, rất dễ vượt quá giới hạn về mức cholesterol tiêu thụ hằng ngày.
Mặc dù trứng chứa lượng cholesterol đáng kể nhưng lại có tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol. Lecithin có vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một nghiên cứu năm 2019 đăng trên Jamanetwork cho thấy những người tiêu thụ nhiều hơn 300mg cholesterol mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 17% và nguy cơ tử vong cao hơn 18%.
Năm 2022, một phân tích tổng hợp lớn đã kết luận rằng lượng trứng tiêu thụ hàng ngày nhiều hơn và tổng lượng cholesterol trong chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn. Điều đó cho thấy, nên ăn trứng một cách điều độ để tốt cho sức khỏe tim mạch.
Không tốt cho mục tiêu giảm cân
Trứng là nguồn protein chất lượng cao nên đó là thành phần lý tưởng trong nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau để kiểm soát cân nặng. Nhưng nếu những món ăn kèm với trứng cùng với các loại thực phẩm chế biến như xúc xích béo ngậy, bánh hamburger với thịt băm, bánh kếp có đường, cà phê nhiều kem thì bạn có thể nhận thấy cân nặng tăng lên khó kiểm soát.
TS Trương Hồng Sơn lưu ý, với người muốn giảm cân, có thể ăn bữa sáng hàng ngày với trứng. Nếu bạn thường ăn bữa sáng 400 calo bạn có thể chuyển sang bữa ăn 3 quả trứng và giảm lượng calo buổi sáng xuống còn 240 calo, tức là lượng trong 3 quả trứng luộc chín.
Chế biến trứng sai cách, tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Trong một nghiên cứu năm 2009 trên Tạp chí Chăm sóc bệnh đái tháo đường, những người ăn hơn 7 quả trứng mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn những người ăn ít trứng hơn.
Nhưng cũng có nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn trứng vào bữa sáng tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu trong suốt cả ngày đối với bệnh nhân tiểu đường.
Các nhà dinh dưỡng cho rằng, khi bạn chế biến trứng với cách chiên rán sẽ khiến lượng chất béo tiêu thụ gia tăng và làm tăng tình trạng kháng insulin, khiến lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
Mặc dù trứng nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng bạn có thể sẽ ăn nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe cùng với trứng. Vô hình chung, trứng trở thành phương tiện vô tình tiêu thụ chất béo bão hòa, natri và calo dư thừa. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Người trưởng thành có thể ăn 1 quả trứng mỗi ngày
Một tuần nên ăn bao nhiêu trứng?
Bài viết trên website Bệnh viện Medlatec chia sẻ về số lượng trứng mỗi người có thể ăn trong một tuần như sau:
Người trưởng thành
Có thể ăn 7 quả trứng mỗi tuần mà không lo ngại ảnh hưởng đến tim mạch. Nếu theo chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày.
Người bệnh
Người bị tiểu đường type 2 nên ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày và 5 quả mỗi tuần. Những người mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao có thể ăn 7 quả trứng mỗi tuần nếu tuân thủ chế độ ăn ít bão hòa, hoặc 3-4 quả trứng mỗi tuần nếu ăn uống bình thường, không quá 4 lòng đỏ.
Người có cholesterol LDL cao nên ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày và 7 quả mỗi tuần, nhưng tốt nhất chỉ nên ăn 4 quả mỗi tuần. Người mắc hội chứng chuyển hóa nên ăn tối đa 6 quả trứng mỗi tuần nếu tuân theo chế độ ăn ít chất béo bão hòa.
Người cao tuổi
Có thể ăn 1 quả trứng mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn nếu khoẻ mạnh. Tuy nhiên, ăn 5 - 6 quả trứng mỗi tuần có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch lên 30%.
Phụ nữ mang thai
Có thể ăn 3 - 4 quả trứng mỗi tuần nếu khỏe mạnh.Nếu mắc tiểu đường hoặc có vấn đề thai kỳ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trẻ em
Trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi nên ăn nửa lòng đỏ trứng mỗi bữa, 2 - 3 bữa mỗi tuần. Từ 8 - 12 tháng tuổi, trẻ có thể ăn 1 lòng đỏ mỗi bữa, không quá 4 lòng đỏ mỗi tuần. Trẻ từ 1 - 2 tuổi có thể ăn 3 - 4 quả trứng mỗi tuần. Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn theo sở thích nhưng tối đa 1 quả mỗi ngày.