Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều gì xảy ra cho thế giới khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch?

(VTC News) -

Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vậy đại dịch là gì, ảnh hưởng thế nào đến tình hình thế giới?

Đại dịch là gì?

Tuyên bố đại dịch không liên quan đến những thay đổi về đặc điểm của một căn bệnh mà liên quan tới những lo ngại về sự lây lan địa lý của nó. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch được tuyên bố khi căn bệnh mới, mà mọi người không có khả năng miễn dịch, lây lan khắp thế giới ngoài dự đoán.

Hoặc có thể xem xét dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Virus có gây ốm hay chết người không; Bệnh có lây từ người sang người hay không; Bằng chứng của việc lây truyền khắp thế giới.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Không có quy định giới hạn cụ thể nào để chuyển mức độ dịch thành đại dịch, ví dụ như dịch bệnh khiến bao nhiêu người lây nhiễm, bao nhiêu người thiệt mạng hoặc bao nhiêu quốc gia ghi nhận ca nhiễm mới. 

Dịch SARS năm 2003 không được WHO tuyên bố là đại dịch mặc dù ảnh hưởng tới 26 quốc gia. 

Theo đó, những trường hợp du khách bị nhiễm bệnh ở nước ngoài sau đó trở về đất nước hoặc những người bị nhiễm bệnh từ du khách đó không đủ cấu thành nên định nghĩa đại dịch. Cần phải có làn sóng lây nhiễm thứ hai từ người sang người trong toàn cộng đồng. 

Một khi đại dịch được tuyên bố, nhiều khả năng sự lây lan cộng đồng sẽ xảy ra. Chính phủ cũng như hệ thống y tế các nước cần đảm bảo rằng họ chuẩn bị cho điều đó. 

Video: WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

Tuyên bố đại dịch ảnh hưởng ra sao tới thế giới?

WHO nhấn mạnh rằng, việc sử dụng từ đại dịch không đồng nghĩa họ sẽ thay đổi các khuyến cáo trước đây. Họ vẫn sẽ tiếp tục thúc giục các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, truy tìm và huy động người dân trong việc chống dịch. 

Nhân viên y tế đưa người nhiễm Covid-19 tới khu vực chăm sóc.

"Thay đổi thuật ngữ thực tế không thay đổi bất cứ thứ gì khi mà thế giới nhiều tuần qua được khuyến cáo nên chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng", Tiến sỹ Nathalie MacDermott tới từ Học viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia King College London, cho hay.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Chương trình tình huống y tế khẩn cấp của WHO cũng từng khẳng định sử dụng từ "đại dịch" để mô tả về dịch Covid-19 "không làm thay đổi những gì chúng tôi đang làm".

Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này làm nổi bật tầm quan trọng của các quốc gia trên thế giới trong việc hợp tác và hiệp lực để trở thành một mặt trận thống nhất trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. 

Khi đại dịch được công bố, các lệnh cấm đi lại sẽ không còn hữu ích và quan chức y tế các nước cần hiểu rằng họ phải chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

"Giai đoạn tiếp theo bao gồm chuẩn bị cho các bệnh viện tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ loại thuốc kháng virus nào và khuyên mọi người rằng khi đến lúc, họ sẽ cần phải suy nghĩ về những việc như ở nhà nếu bị bệnh, tránh gặp gỡ hay tụ tập đông người", ông Nigel McMillan, Giám đốc các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Viện Sức khỏe Menzies ở Queensland, chia sẻ. 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11/3 cho biết dịch Covid-19 đã đạt đến giai đoạn gọi là đại dịch khi có hơn 118.000 trường hợp nhiễm bệnh ở 114 quốc gia và 4.291 người thiệt mạng.

Việc gọi Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus corona chủng mới gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.

"Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được gọi là một đại dịch", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.

Song Hy

Tin mới