Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã DQC-HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát xét năm 2019 với kết quả lợi nhuận xuống thấp kỷ lục.
Theo đó, nửa đầu năm nay Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (Điện Quang) ghi nhận 410 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 12%, xuống còn 309 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ còn 101 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Điện Quang, việc doanh thu sụt giảm là do tốc độ tụt giảm quá nhanh của các sản phẩm truyền thống so với cùng kỳ năm ngoái. Điện Quang cũng ngừng sản xuất một số mặt hàng truyền thống do không hiệu quả khi duy trì.
Báo cáo hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của Điện Quang.
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về cho Điện Quang của nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa 7 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2018. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc sụt giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay từ 18,8 tỷ xuống còn 6,3 tỷ đồng và lãi bán các khoản đầu tư cũng bốc hơi 7 tỷ so với đầu kỳ.
Chi phí tài chính ghi nhận gần 1,6 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và chiếm 21% trong doanh thu hoạt động tài chính. Riêng chi phí lãi vay lên tới 3,6 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ so với bán niên năm 2018. Chi phí bán hàng cũng tăng từ 47 tỷ lên 54 tỷ đồng do doanh nghiệp mạnh tay chi cho nhân viên bán hàng lên 30 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ gần 2 tỷ, đạt 25 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chứng khoán của Điện Quang.
6 tháng đầu năm 2019, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Điện Quang âm 35,6 tỷ, trong khi cùng kỳ năm trước là 50,7 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp này đưa ra là do tăng mạnh khoản phải thu và các khoản phải trả tương ứng từ 25 tỷ lên 114 tỷ đồng và 29 tỷ lên (145) tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 18 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Điện Quang đạt 1.541 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ 1.503 tỷ xuống còn 1.165 tỷ đồng, do doanh nghiệp giảm đầu tư tài chính ngắn hạn.
Báo cáo tài chính của Điện Quang cũng cho thấy, tính đến 30/6/2019, DQC đang nắm giữ gần 59 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. So với đầu kỳ, con số này đã giảm gần 4,7 lần. Trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng ngắn hạn với 56 tỷ, giảm gần 5 lần so với đầu năm.
Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tính đến cuối quý II/2019 âm tới 5,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 2,9 tỷ; khoản lợi nhuận khác của DQC cũng âm 910 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 36 triệu đồng.
Điện Quang là thương hiệu nổi tiếng một thời gắn liền với gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Lợi nhuận trước thuế của DQC chỉ còn lại 20,6 tỷ bốc hơi 38 tỷ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, giảm 67%. Đây cũng là kết quả kinh doanh bán niên thấp nhất của Điện Quang kể từ năm 2012 trở lại đây của doanh nghiệp này.
Cũng theo báo cáo tài chính của Điện Quang, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 137 tỷ đầu kỳ giảm xuống chỉ còn gần 99 tỷ. Toàn bộ khoản vay nay được DQC vay từ ngân hàng TMCP Quân Đội. Vay dài hạn của DQC là 91 tỷ đồng tại Vietcombank. Tổng nợ phải trả giảm từ 780 tỷ xuống còn 582 tỷ đồng, chiếm gần 61% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2019, chi phí nhân công tại Điện Quang của nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tăng gần 10 tỷ so với cùng kỳ lên 69,5 tỷ đồng. Thu nhập của thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát bao gồm lương, thưởng và các khoản phúc lợi khác là 2,7 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ. Như vậy, với 11 thành viên, bình quân thu nhập của mỗi thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát gần 41,7 triệu đồng/người/tháng.