Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điểm sáng của truyền hình trả tiền Việt Nam năm 2021

(VTC News) -

Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đã đạt được những kết quả nổi bật.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã nỗ lực để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ sống khỏe giữa đại dịch.

Đến hết tháng 9/2021 có 39 doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó mỗi doanh nghiệp tham gia cung cấp từ một loại hình dịch vụ đến tối đa bốn loại hình dịch vụ.

Số lượng doanh nghiệp phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) tăng 05 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020, việc tăng trưởng này phù hợp với xu thế dịch vụ phát thanh, truyền hình thế giới.

Các doanh nghiệp được cấp 58 Giấy phép cung cấp các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền, có 275 kênh chương trình trong nước được cấp Giấy phép sản xuất để cung cấp trên dịch vụ, trong đó có 197 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh.

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 4.334 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Cả nước hiện có 125.476 thuê bao truyền hình mặt đất kỹ thuật số; 4.354.715 thuê bao truyền hình cáp tương tự; 3.636.139 thuê bao truyền hình cáp kỹ thuật số; 4.002.701 thuê bao truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV); 774.826 thuê bao truyền hình qua vệ tinh; 205.810 thuê bao truyền hình di động và 3.611.460 thuê bao phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (OTT TV).

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, đặc biệt là truyền hình di động OTT. Truyền hình OTT nói chung và truyền hình di động (MobileTV do các DNVT như: Viettel, VNPT-VinaPhone, Mobifone cung cấp) nói riêng không chỉ là xu hướng công nghệ của riêng Việt Nam mà xảy ra ở cả các thị trường khác trên thế giới.

Tính riêng tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền như SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT đã lần lượt ra mắt dịch vụ truyền hình OTT ngay từ năm 2016.

Chẳng hạn, K+ ra mắt dịch vụ truyền hình OTT MyK+Now; VTVcab cũng có ứng dụng OTT là VTVcab ON, SCTV ra mắt ứng dụng SCTVonline… 

Truyền hình trên mạng Internet (OTT) vừa là cơ hội vừa là thách thức. (Ảnh minh hoạ)

Năm 2021, thị trường OTT tại Việt Nam ngày một sôi động với sự góp mặt của hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ. OTT cũng là điểm sáng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam trong năm nay.

Xu hướng xem trực tuyến trên các nền tảng OTT ngày càng phát triển ở Việt Nam mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn giải trí. Theo các chuyên gia, Việt Nam còn được đánh giá là một thị trường tiềm năng khi lượng người thường xuyên truy cập internet dự báo sẽ ngày càng tăng, có thể đạt tới 92% vào năm 2023.

Trên thực tế, mặc dù có nhiều đơn vị cung cấp OTT nhưng chỉ một số ít trong đó đến từ các đơn vị truyền thông/truyền hình chính quy, được đầu tư nghiêm túc về bản quyền và hạ tầng. Vấn đề bản quyền vốn là thách thức lớn nhất đối với hầu hết các đơn vị đầu tư OTT chính quy. Bởi chi phí đầu tư nội dung thường rất cao trong khi người dùng Việt Nam thì vẫn chưa có thói quen trả tiền cho việc xem nội dung trên internet. 

Tuy nhiên, thách thức này hoàn toàn có thể biến thành thế mạnh cho bất kỳ doanh nghiệp truyền hình trả tiền nào biết chớp thời cơ. OTT vừa là điểm sáng, vừa là thách thức, song cũng chính là cơ hội. Do vậy, đầu tư vào OTT,  doanh nghiệp cần có chiến lược marketing riêng biệt, phù hợp khi tham gia vào thị trường này nhằm dành thị phần, chia sẻ miếng bánh lợi nhuận, tối đa hóa nguồn lực đầu tư…

Trong bối cảnh thị trường truyền hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp Việt có xu hướng đầu tư mạnh vào bản quyền nội dung để tạo sự khác biệt nhằm thu hút thuê bao. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền chương trình truyền hình ngày càng phức tạp, đặc biệt là các chương trình thể thao lớn, chi phí bản quyền nội dung ngày càng tăng cao đặc biệt là các kênh nước ngoài, vi phạm bản quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, việc xử lý các vi phạm bản quyền trên Internet rất khó khăn.

Vì vậy, các doanh nghiệp nội cần phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền, tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh nội dung phát triển.

Có thể thấy, với tiềm năng phát triển thị trường còn khá lớn như hiện nay, việc biến thách thức thành cơ hội trên thị trường truyền hình trả tiền không chỉ đòi hỏi những bước đi sáng tạo, đột phá từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay đơn vị sản xuất nội dung, mà còn phụ thuộc rất lớn vào hành lang pháp lý để điều tiết cũng như tạo sự bình đẳng trên thị trường.

HẠO NHIÊN

Tin mới