Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điểm chuẩn các trường luật dự báo tăng 0,25 - 1 điểm

(VTC News) -

Chuyên gia dự báo điểm chuẩn vào các trường luật năm nay sẽ tăng - giảm theo khối, trong đó các ngành xét tuyển bằng khối C điểm chuẩn giảm nhẹ và tăng ở khối D.

Với Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên của trường cho biết, điểm chuẩn khối Xã hội, trong đó có ngành Luật năm nay xu hướng giảm nhẹ đối với tổ hợp xét tuyển C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), tăng nhẹ đối với các khối với tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh).

"Mức điểm chuẩn các ngành của trường có thể giảm nhẹ trong khoảng 0,5 điểm, hoặc tương đương năm 2022 với các ngành khối A, C và tăng 0,25 đến 1 điểm với ngành khối D - trong đó có các ngành về Luật, Luật Thương mại quốc tế...", ông nói. Nguyên nhân do chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường không còn nhiều (40% trong tổng 2.400 chỉ tiêu).

Phổ điểm khối C (bên trái) giảm so với năm 2022 và khối D (trái) tăng so với năm ngoái.

Đây chỉ là dự đoán dựa trên phổ điểm, còn điểm chuẩn chính xác phụ thuộc vào số lượng và điểm của thí sinh đăng ký vào ngành tương ứng.

Năm nay, Đại học Kinh tế - Luật lấy điểm sàn 20 cho tất cả ngành học, tổ hợp xét tuyển. Điểm chuẩn năm ngoái của trường cao nhất là 27,55 thuộc về ngành Thương mại điện tử. Thấp nhất là Luật (Luật Tài chính - Ngân hàng) chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp 23,4 điểm.

Ông Cù Xuân Tiến khuyên thí sinh, chia các nguyện vọng thành ba nhóm: nhóm đầu nên có 2-3 nguyện vọng là ngành yêu thích, điểm chuẩn các năm trước có thể cao hơn điểm thi 0,5-1,5 điểm.

Nhóm giữa là những ngành có điểm chuẩn các năm tương đương hoặc chênh lệch khoảng 0,5 điểm so với điểm thi. Với nhóm này, thí sinh nên đăng ký khoảng 2 - 4 nguyện vọng.

Nhóm cuối cùng là những ngành có điểm chuẩn mọi năm thấp hơn điểm hiện tại 0,5-1,5 điểm. Thí sinh nên đăng ký 2-3 nguyện vọng ở nhóm này cộng với nguyện vọng đã trúng tuyển sớm để đảm bảo khả năng đỗ đại học.

Theo ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Đại học Mở Hà Nội, mức điểm sàn xét tuyển vào trường năm nay ổn định so với các năm trước. Một số ngành tăng nhẹ so mức điểm sàn năm 2022, mục tiêu nhằm để rút ngắn khoảng cách của điểm sàn và điểm chuẩn nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh trong công tác xét tuyển đại học.

Về điểm chuẩn, ông Ngọc Anh dự báo không nhiều biến động, đặc biệt những ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn từ 24 đến 26. Các ngành Luật: Luật Kinh tế, Luật Quốc tế của Đại học Mở Hà Nội cũng thuộc nhóm này.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 16,5 đến 26,75 kèm theo một số tiêu chí phụ. Ngành Luật kinh tế xét bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) có đầu vào cao nhất - 26,75 điểm. Hai ngành khác lấy điểm chuẩn 26 trở lên là Luật và Luật quốc tế, đều ở tổ hợp C00.

Ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo, Đại học Luật TP.HCM thông tin, mức điểm chuẩn sẽ phụ thuộc lớn vào số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Mặt khác, điểm chuẩn Đại học Luật TP.HCM nói riêng và các trường nói chung năm nay đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định cộng điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT áp dụng với các thí sinh từ mùa tuyển sinh 2023.

Nếu như năm trước, tất cả các thí sinh đều được cộng tối đa 2,75 điểm dù đạt mức điểm tổng bao nhiêu. Đây cũng là một trong những lý do khiến điểm chuẩn các trường cao. Tuy nhiên năm nay, những thí sinh đạt từ 22,5 trở lên, mức điểm ưu tiên sẽ tịnh tiến giảm dần về 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào Đại học Luật TP.HCM dao động từ 22,5 đến 28,5 điểm, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên từ 0,5 - 2,75 điểm. Tuy nhiên năm nay, khoảng điểm này chịu tác động trực tiếp từ chính sách giảm điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT, do đó, đây cũng khoảng thí sinh chịu ảnh hưởng giảm điểm.

Như vậy mức điểm chuẩn năm nay sẽ biến động tăng hoặc giảm nhẹ, ông Hiển dự báo.

Điểm chuẩn vào các trường luật dự báo tăng 0,25 đến 0,5 điểm. (Ảnh minh hoạ)

Năm nay, Đại học Luật TP.HCM tuyển sinh 2.100 sinh viên. Cuối tháng 6, trường công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm. Với phương thức xét kết hợp học bạ và IELTS (hoặc TOEFL), ngành Luật Thương mại quốc tế điểm chuẩn cao nhất. Nếu thí sinh có điểm trung bình học bạ là 22,5 thì phải kèm 7.5 IELTS mới trúng tuyển, nếu điểm học bạ là 28 thì thí sinh chỉ cần IELTS 7.0.

Với phương thức xét tuyển học sinh diện ưu tiên bằng học bạ, điểm chuẩn ngành Luật Thương mại quốc tế cũng cao nhất, lần lượt là 28 và 24,5 điểm tùy theo điểm trung bình học bạ cả ba năm hay điểm trung bình ba môn thuộc tổ hợp trong 5 học kỳ.

Ngoài hai phương thức xét tuyển nói trên, trường còn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT với 60% chỉ tiêu.

Ông Tô Văn Hoà, Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn năm nay vào trường khó dự đoán bởi hai yếu tố.

Thứ nhất, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sớm theo phương thức học bạ và xét tuyển kết hợp đạt 49% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, đây chỉ là trúng tuyển có điều kiện, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh đổi phương thức xét tuyển sang điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao, tỷ lệ thí sinh ảo lớn.

Thứ hai, mức điểm cộng ưu tiên năm nay sẽ biến động giảm dần theo điểm số từ 22,5 đến 30 điểm. Do vậy việc dự báo điểm chuẩn tăng hay giảm sẽ rất khó, ông Hoà khẳng định.

Năm 2022, Đại học Luật Hà Nội có 2/4 ngành xét tuyển tổ hợp C00. Điểm chuẩn tổ hợp này cao nhất trường, trong đó ngành Luật Kinh tế là 29,5 điểm, ngành Luật 28,75 điểm. Trong khi đó, các tổ hợp khác (A00, A01, D01 đến D06) chỉ dao động từ 24,95 đến 26,8 điểm.

Hà Cường

Tin mới