Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điểm chuẩn các trường báo chí, truyền thông dự kiến tăng

(VTC News) -

Chuyên gia dự báo điểm trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngành báo chí, truyền thông năm nay có thể tăng nhẹ 0,25 - 0,5 điểm so với năm ngoái.

Đại diện lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái, thậm chí tăng mạnh đối với những ngành hot. Với số lượng hồ sơ thí sinh lớn nên so với mặt bằng chung điểm năm nay sẽ nhiều biến động.

Đặc biệt những ngành học hot như: Báo chí, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ quốc tế... điểm chuẩn sẽ tăng mạnh.

Vị này cũng cho biết, nhiều ngành của trường năm nay đưa ra mức điểm sàn cao hơn năm trước 1 - 2 điểm, điều này cũng phần nào chứng minh dự báo điểm đầu vào tăng.

Điểm chuẩn các trường báo chí, truyền thông dự kiến tăng.

Ngoài các ngành hot, khối ngành lý luận của nhà trường dự kiến cũng sẽ có những biến động về điểm chuẩn khi ngày càng được sự quan tâm lớn của các thí sinh.

Năm 2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lấy điểm chuẩn dao động từ 22,8 - 29,25 điểm theo thang 30; từ 33,3 - 37,6 điểm theo thang 40.

Với thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy điểm cao nhất là 29,25 điểm xét tổ hợp C15 (Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội).

Theo thang 40, ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm cao nhất với 37,6 điểm, xét theo tổ hợp khối D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh), R26 (Chứng chỉ tiếng Anh quy đổi, Ngữ văn, Khoa học xã hội).

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định điểm chuẩn năm nay của trường nhiều khả năng tương đương năm ngoái hoặc điều chỉnh tăng nhẹ. Đặc biệt các ngành hot như báo chí, truyền thông.

"Điểm trung bình khối C00 và D01 tăng, giảm chưa tới 0,5 so với năm ngoái, do đó, điểm chuẩn những ngành xét bằng hai tổ hợp này có khả năng giữ nguyên hoặc tăng, giảm không đáng kể, trong khoảng 0,5-1 điểm", ông Nam nói.

Năm 2023, trường tuyển sinh 3.599 sinh viên cho 34 ngành, chương trình đào tạo. Ông Nam cho biết số lượng đăng ký xét tuyển sớm năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Do đó, cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT còn rất nhiều.

Năm ngoái, điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của trường dao động 20 - 28,25, cao nhất là ngành Báo chí ở tổ hợp C00.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm nay trường tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu (tăng 350 chỉ tiêu so với năm ngoái) trong đó 50% chỉ tiêu vào xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. "Dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay thấp hơn năm 2022 ở khối C", bà nói.

Năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lên đến 29,9 ở tổ hợp C00.

Ba ngành có điểm chuẩn cao nhất năm trước gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học; Quan hệ công chúng, cùng lấy 29,95 điểm. Các ngành Quốc tế học, quản trị văn phòng (khối C00) 29 điểm. Thí sinh hoàn toàn yên tâm về mức điểm chuẩn năm nay có thể không cao bằng năm ngoái.

Còn với ngành tuyển sinh bằng tổ hợp khối D, dự báo điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ. Bởi, điểm Toán trung bình là 6,25, mức điểm từ 8 trở lên chiếm tỉ lệ 15,1%, thấp hơn so với năm 2022 (21,8%).

Điểm tiếng Anh trung bình năm nay là 5,45, tuy nhiên mức điểm từ 8 trở lên chiếm tỉ lệ 15%, so với năm 2022 (11,9%). Điểm Ngữ văn trung bình là 6,68 điểm, nhưng mức điểm từ 7 trở lên chiếm đến 45,9%, trong khi năm 2022 là 42,28%.

Bà Hương nhấn mạnh, đây chỉ là dự đoán, điểm tăng hay giảm còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký nhiều hay ít. Thí sinh nên đặt những nguyện vọng mong muốn theo học nhất lên hàng đầu với thứ tự hợp lý.

Thí sinh không nên chỉ dựa vào điểm chuẩn những năm trước hoặc sợ trượt nên không đăng ký nguyện vọng 1 là những ngành không quá yêu thích nhưng có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn so với điểm thi, bà khuyên thí sinh.

Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT, trong đó khoảng 917.700 em dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.

Tính hết 17h ngày 27/7, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT có gần 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển với tổng số 2,9 triệu nguyện vọng trên hệ thống. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng gần 5 nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên cả nước.

Theo kế hoạch, từ 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học thức trực tuyến với số lần không giới hạn.

Hà Cường

Tin mới