Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tại Hải Dương và Quảng Ninh số lượng bệnh nhân có dấu hiệu giảm. Đây là dấu hiệu cho thấy hai ổ dịch lớn được kiểm soát.
“Việc khống chế được 2 ổ dịch lớn là điều đáng mừng. Một số tỉnh/thành dù có ghi nhận những trường hợp mắc mới những đều là những ca đã được “quây lại” và “khoanh trọn”, không để lây lan nữa. Chúng ta phần nào có thể yên tâm được rồi”, ông Phu nói.
Tuy yên tâm nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Chỉ cần chủ quan thì nguy cơ xảy ra những ổ dịch như vừa rồi là hoàn toàn xảy ra.
Ông Trần Đắc Phu.
Theo ông Phu, đạt được những kết quả bước đầu như ngày hôm nay là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo cũng như Bộ Y tế. “Quan trọng là chúng ta làm đúng, làm trúng. Bởi có đầu tư nhưng làm sai thì cũng khó chống được dịch”, ông Phu nhấn mạnh.
Nhận định về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc cố gắng trong 10 ngày sẽ khoanh trọn được dịch, ông Phu cho rằng “chắc sẽ được”. Vì hiện nay, hai ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh phần nào “hạ nhiệt”.
Ngoài ra, các ca bệnh khác đều liên quan tới hai ổ dịch này được truy vết ra chứ không phải xuất hiện các ổ dịch khác. Điều này cũng chứng tỏ, công tác truy vết, khoanh vùng của Bộ Y tế và các địa phương đang thực hiện rất tốt.
Vụ việc vừa qua cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Việt Nam cũng rất lớn, bởi vừa nới lỏng một số hoạt động… Vì vậy, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh và tăng hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, người dân cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền.
Mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong phòng chống dịch, tuân thủ khai báo y tế đầy đủ, thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về thông điệp 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.
“Trong dịp Tết này nhu cầu đi lại của mọi người rất lớn nên cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Tôi nghĩ, trong lúc này chúng ta không nên tổ chức những việc không cần thiết như liên hoan tất niên, gặp gỡ tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt không cần thiết vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hy vọng là sau đúng 10 ngày, chúng ta sẽ khống chế được dịch để người dân đón Tết an lành”, ông Phu nói.
Tính tới 6h sáng 1/2, Việt Nam ghi nhận 1.819 trường hợp mắc COVID-19. Đặc biệt, trong buổi sáng chỉ ghi nhận thêm 2 ca COVID-19 ở Hà Nội (có liên quan tới Hải Dương). Còn lại 2 ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi 1.457/1.819 bệnh nhân.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 26.861. Trong đó, 185 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.917 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.759 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Số ca tử vong đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.