Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dịch COVID-19 căng thẳng, các tỉnh phía Nam chấm thi tốt nghiệp thế nào?

(VTC News) -

Nhiều tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, khiến nhiều lo lắng việc chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 bị gián đoạn.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm việc trực tuyến với Ban chỉ đạo thi một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên về công tác chấm thi trong điều kiện dịch COVID-19 ở những địa phương này đang diễn biến căng thẳng.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn về chấm thi, Hội đồng thi Sở GD&ĐT TP.HCM phải “căng mình” ứng phó với dịch bệnh.

Song song với các ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm, TP.HCM thành lập thêm Ban phòng chống COVID-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.  

Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm COVID-19. Hoạt động xét nghiệm đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.

Khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong đợt 1, thành phố có 87.668 bài tự luận Ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm. Với công suất và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hiện nay, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24/7, theo đúng kế hoạch Bộ GD&ĐT đề ra.

Giám thị tham gia coi thi tốt nghiệp THPT.

Là một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19, ông Đỗ Huy Khánh Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết, địa phương đã trưng dụng một khu vực độc lập để tổ chức chấm thi và làm nơi ở tập trung trong suốt thời gian chấm thi cho tất cả lực lượng tham gia công tác này. Trước đó, tất cả nhân sự chấm thi đều được xét nghiệm COVID-19, đảm bảo âm tính mới tham gia làm nhiệm vụ.

Nguyên tắc 3 tại chỗ - chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ cũng được Hội đồng thi Sở GD&ĐT Long An, Sở GDĐT Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng.

Theo đó, 176 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và công an tham gia làm nhiệm vụ trong các ban chấm thi của Bà Rịa - Vũng Tàu, gần 200 cán bộ của Long An, đều được xét nghiệm COVID-19. Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại COVID-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.

Hiện, hội đồng thi Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấm được 1/3 trong số 12.846 bài thi môn tự luận Ngữ văn, đồng thời quét xong bài và nhận dạng bài thi của hơn 44.000 bài thi trắc nghiệm. Hoạt động chấm này dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 18/7 với các môn trắc nghiệm và trước ngày 20/7 với môn tự luận.

Theo báo cáo, đến nay hầu hết các tỉnh đã hoàn thành việc quét bài, nhận dạng bài thi và gửi các đĩa CD0, CD1 về Bộ GD&ĐT. Quy trình và tiến độ chấm được các địa phương cam kết sẽ đảm bảo an toàn, theo đúng kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt việc chấm thi, không lơ là, chủ quan dù ở khâu cuối cùng. Trong đó lưu ý những công đoạn như nhập điểm, khớp phách phải đảm bảo chặt chẽ, tránh sai sót, gây thiệt thòi cho thí sinh.

Song song với đó, việc phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho thành viên tham gia, phải đặt lên mức cao.

Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0h ngày 19/7, trong 14 ngày.

16 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Hà Cường

Tin mới