Theo Bloomberg, các doanh nghiệp nhỏ tại Hàn Quốc đang than thở rằng họ phải chịu nhiều ảnh hưởng khi mức lương tối thiểu tăng cao. Hoạt động kinh doanh của những công ty này cũng bị tác động vì các biện pháp giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch bệnh.
Với sức ép từ phía dư luận, các cơ quan quản lý của Hàn Quốc đang siết chặt kiểm soát đối với những tập đoàn công nghệ lớn. Coupang - tập đoàn được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc" - được định giá 100 tỷ USD vào ngày đầu phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Hồi tháng 8, công ty đã bị phạt 3,3 tỷ won (2,8 triệu USD) vì cáo buộc thực hiện "những giao dịch không công bằng". Theo đó, Coupang đã tạo áp lực buộc các chủ doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp địa phương phải tăng giá bán sản phẩm trên những nền tảng đối thủ.
Các công ty công nghệ lớn của Hàn Quốc phát triển thần tốc trong đại dịch. (Ảnh: Nikkei Asian Review).
Siết chặt kiểm soát
Ông Kang Han-seung, Giám đốc điều hành Coupang, và ông Brian Kim, tỷ phú sáng lập ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc Kakao, đã bị triệu tập tại phiên điều trần của Quốc hội Hàn Quốc. Coupang cho biết sẽ đệ đơn kiện khoản tiền phạt chống độc quyền.
Cuộc trấn áp của chính quyền Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở các công ty Hàn Quốc. Mới đây, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên áp đặt những hạn chế đối với các cửa hàng ứng dụng sinh lời do Apple Inc. và Alphabet Inc. của Google điều hành.
Các quy tắc mới được áp đặt nhằm hạn chế phí hoa hồng và đa dạng hóa phương thức thanh toán khi mua hàng trên ứng dụng.
Theo nhà lập pháp Hàn Quốc Chae Yi-bai, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm bà Lina Khan làm chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã giúp Hàn Quốc có thêm động lực để chấn chỉnh ngành công nghiệp.
Năm 2017, bà Khan từng viết một bài báo chỉ trích khuôn khổ chống độc quyền lỗi thời của Mỹ. Bà cho rằng điều này giúp gã khổng lồ bán lẻ Amazon tránh bị giám sát. Bà cũng giúp Hạ viện Mỹ điều tra Facebook, Google, Amazon và Apple về việc độc quyền trong cạnh tranh trực tuyến. Truyền thông Mỹ mô tả bà là "nỗi ác mộng" của các tập đoàn công nghệ lớn.
Ông Brian Kim, tỷ phú sáng lập ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc Kakao.(Ảnh: Kakao).
"Các công ty công nghệ đã phát triển theo cấp số nhân trong đại dịch. Tuy nhiên, điều đó tạo ra xung đột lợi ích giữa những doanh nghiệp nền tảng này và các cửa hàng bán lẻ", ông Chae bình luận.
"Người ta lo ngại rằng với tốc độ phát triển thần tốc và xu hướng độc quyền, các công ty công nghệ có thể khai thác dữ liệu người dùng và gây tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành", ông nói thêm.
"Những động thái mới của chính quyền Hàn Quốc đối với các gã khổng lồ công nghệ bắt đầu từ đó", ông Chae giải thích.
Việc doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp nhỏ là một chủ đề nhạy cảm tại Hàn Quốc. Bởi nhiều người nước này kiếm sống bằng cách điều hành doanh nghiệp của riêng minh.
Theo dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tự doanh tại nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới dao động ở mức 25% vào năm 2019, cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Biểu tượng của lòng tham
Theo Bloomberg, đảng cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dùng cuộc tấn công vào các công ty công nghệ lớn để giành lại phiếu bầu.
"Kakao từng là biểu tựng của sự phát triển và đổi mới. Nhưng dường như nó đã trở thành biểu tượng của lòng tham", ông Song Young-gil, Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc, nhấn mạnh.
Đảng cầm quyền đang tìm cách thông qua dự luật giới hạn phí hoa hồng của các dịch vụ nền tảng trực tuyến. Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc cũng thúc đẩy những quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng và người bán hàng trên các nền tảng trực tuyến.
"Các nền tảng trực tuyến có ảnh hưởng lớn trên thị trường. Điều đó dẫn đến những giao dịch không công bằng, chẳng hạn phí hoa hồng quá cao", ông Song Kap-seok, một thành viên của đảng cầm quyền, bình luận.
Khi áp lực ngày càng gia tăng, các công ty công nghệ cũng tìm cách xoa dịu dư luận. Kakao cho biết họ đang từ bỏ mô hình tăng trưởng kéo dài hàng thập kỷ của mình.
Các biện pháp giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao, giúp những tập đoàn như Coupang hưởng lợi. (Ảnh: Nikkei Asian Review).
Công ty cho biết họ đang xây dựng một quỹ 300 tỷ won để giúp đỡ các nhà cung cấp nhỏ, cũng như loại bỏ những kế hoạch cạnh tranh với các cửa hàng truyền thống nhỏ.
Tuy nhiên, một số công ty phản đối. Trong một tuyên bố, Coupang cho biết họ đang đổi mới thị trường bán lẻ - vốn bị các tập đoàn lớn thống trị từ lâu - thông qua việc cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm giá rẻ và giao hàng nhanh hơn.
"Căng thẳng đang gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống", ông Jungwook Lim tại công ty đầu tư mạo hiểm TBT (có trụ sở ở Seoul) bình luận.
"Các unicorn (startup được định giá trên 1 tỷ USD) lo ngại về ảnh hưởng của những quy định mới đối với mô hình nền tảng. Trong khi đó, giới đầu tư sợ rằng môi trường quy định chặt chẽ hơn sẽ cản trở các thương vụ như sáp nhập và mua lại", ông nói thêm.