Chiều 15/12, tại buổi giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Thanh Học - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định thành phố sẽ tăng cường phương tiện để phục vụ nhu cầu của người dân làm ăn ở Hà Nội về quê đón Tết.
“Hà Nội với tinh thần chung là mọi nhà đều có Tết, mọi người đều có Tết. Không chỉ tặng quà, Thành phố sẽ tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết. Quan điểm của lãnh đạo thành phố nhiều năm nay là nếu đêm 30 Tết vẫn còn người ở bến xe mà không có ô tô đi về quê thì lãnh đạo Sở GTVT, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm lấy ô tô, thậm chí ô tô cá nhân để chở công nhân về quê” – ông Học nói.
Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết hàng năm thành phố rất quan tâm tới hoạt động thăm, tặng quà những người hưởng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời Hà Nội cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, có hạn mức cuối cùng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Theo ông Học, hiện nay nhiều quận huyện có các phong trào tốt cần được nhân rộng như cán bộ công chức tự bỏ tiền gói bánh chưng tặng cho các đối tượng khó khăn trong dịp Tết. Về vấn đề thưởng Tết, ông Học cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh bệnh nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một vài đơn vị mới có thông tin mức thưởng Tết.
Cũng theo Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, dù năm nay khó khăn do dịch bệnh, thiên tai cả nước nhưng mức chi năm 2021 sẽ không thấp hơn những năm trước. Các đối tượng chính sách cần hỗ trợ, cần giúp đỡ sẽ không giảm đi.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh thông tin về một số hoạt động thăm, tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công, gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động… dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ông Khánh cho biết, tổng số đối tượng tặng quà dự kiến là 846.624 người, kinh phí là hơn 371 tỷ đồng. Đối tượng và mức tặng quà giữ nguyên như năm 2020.
Trong đó mức quà cá nhân bằng tiền mặt sẽ là 1 triệu đồng/người, 500 nghìn đồng/người và 300 nghìn đồng/người tùy thuộc vào từng đối tượng chính sách.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Đặc biệt, mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi là 700 nghìn đồng/người (từ 70, 75, 80, 85 tuổi); 1 triệu đồng cho người cao tuổi tròn 90, 95 tuổi; 1,5 triệu đồng cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; 1,2 triệu đồng cho người cao trên 100 tuổi.
Theo ông Khánh, Hà Nội dự kiến sẽ tặng quà bằng tiền mặt trị giá 500 nghìn đồng cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đề xuất của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đề xuất sẽ tặng 5.000 suất quà, tăng 2.000 suất so với năm 2019.
Ngoài ra, Thành phố cũng tặng quà 84 các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng đối tượng người có công, chính sách xã hội tập trung; các đơn vị sản xuất kinh doanh tiêu biểu của thương bệnh binh, người tàn tật; Câu lạc bộ Thăng Long, Đại diện Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam... mỗi suất quà trị giá từ 4 triệu đồng đến 16 triệu đồng, với số tiền 510,5 triệu đồng.
Thành phố cũng tặng 150 suất quà cho những cá nhân tiêu biểu với tổng kinh phí là 375 triệu đồng. Các trường hợp được thụ hưởng là các đồng chí Lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ, trí thức, gia đình chính sách, công nhân lao động, công dân ưu tú, gương người tốt việc tốt, hộ nghèo trên địa bàn Thành phố.
Thành phố cũng hỗ trợ bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên phục vụ trực tiếp trong các ngày Tết với mức 200 nghìn đồng/người. Bổ sung thêm tiền ăn trong những ngày Tết cho các đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung với mức 100.000 đồng/người tại các đơn vị thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 – Sở Y tế quản lý. Tổng số đối tượng là 7.009 người với số tiền 931,7 triệu đồng.