Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin trong chiều 4/7, sở đã họp đánh giá tình hình sạt lở kênh Thanh Đa, tìm giải pháp kỹ thuật để khắc phục sự cố trên.
Thời gian tới, Sở GTVT sẽ làm công văn xin ý kiến UBND TP.HCM thuê một đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để đánh giá toàn diện sự cố. Những đánh giá trên là căn cứ để đơn vị đưa phương án xử lý hiệu quả.
"Nếu chỉ quan sát bằng mắt hoặc máy siêu âm bình thường sẽ không đánh giá được toàn diện", ông An nói.
Bờ kênh Thanh Đa bị sạt lở gây nguy hiểm đến các hộ dân trong khu vực. (Ảnh: Anh Nhàn)
Việc xin ý kiến UBND TP.HCM đang được Sở GTVT làm gấp trong tuần này. Nếu phương án được duyệt, đầu tuần sau tổ tư vấn sẽ tổ chức công việc. Dự kiến khoảng 10 ngày sau có kết quả báo cáo UBND TP.HCM.
Trước đó, sáng 26/6, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Quản lý Đường thủy, UBND quận Bình Thạnh kiểm tra sự cố sạt lở xảy ra ở khu vực kênh Thanh Đa.
Đỉnh kè đá khu vực bị sụt lún có xu hướng dịch chuyển về phía kênh, xuất hiện vết nứt cách đỉnh kè đá hiện hữu khoảng 10 m. Đoạn nguy cơ sạt lở gây hư hỏng khoảng 120 m kè, khu vực nhà dân bên trong bị lún nứt, một số căn nhà bị nghiêng về phía kênh. 13 hộ dân bị ảnh hưởng nằm tập trung ở hẻm 886 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh.
Nhà người dân bị ảnh hưởng do sự cố sạt lở bờ kè. (Ảnh: Anh Nhàn)
Cơ quan chức năng xác định sự cố xảy ra do những cơn mưa lớn và triều cường, gây bão hòa nước khu vực bên trong đỉnh kè tạo áp lực nước lớn. Khi mực nước hạ xuống thấp nhất, sẽ gây nguy cơ sạt lở đất theo lực của dòng nước rút đi. Ngoài ra, nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5 m cũng làm gia tăng tải trọng ngang, tăng thêm nguy cơ sạt lở.
Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị UBND huyện Bình Thạnh tổ chức di dời khẩn cấp 13 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức rào chắn và bố trí lực lượng trực gác thường xuyên không cho người dân ra vào khu vực.