Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.
Đề xuất này được rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ, bởi lẽ, nếu sở hữu chung cư có thời hạn, giá thành sẽ rẻ hơn, lại thuận tiện trong sửa chữa hoặc xây mới khi hết thời hạn.
Tuy nhiên, trả lời VTC News, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện đề xuất này thì cần lưu ý đến nhiều vấn đề như quyền tài sản, quyền lợi của người dân và các thủ tục hành chính phát sinh.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, đề xuất không nên dùng từ "thời hạn sở hữu nhà chung cư" và nên thay bằng "thời hạn sử dụng nhà chung cư". Ông Chung phân tích, khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản, quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.
Theo chuyên gia, nếu sở hữu chung cư có thời hạn, cần xem xét các quyền đối với tài sản. (Ảnh minh họa: VNN)
Ông Chung cũng lưu ý rằng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.
Ở đây, cần làm rõ hai vấn đề: Thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng và thời hạn sử dụng nhà chung cư. Việc xác định thời hạn sở hữu này có một số điểm cần xác định: Đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn; Về sở hữu chung cư, pháp luật cũng đã quy định thời hạn sử dụng của công trình: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 đề xuất thêm hai nội dung. Đó là, việc thiết kế chung cư đã phải xác định được luôn thời hạn sử dụng, 50-70 năm tùy chất lượng công trình. Việc xác định mức độ xuống cấp sẽ theo đánh giá của cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất, sử dụng chung cư có thời hạn còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài. Khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa.
Còn trách nhiệm đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì do Bộ Xây dựng đảm nhiệm. Trong thời hạn sử dụng có hai thời điểm đánh giá: Thời điểm giao đất và trong quá trình sử dụng có vấn đề phát sinh như thiên tai động đất sóng thần…làm giảm tuổi thọ công trình sớm hơn so với quy định.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì vẫn có những băn khoăn về đề xuất này. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước; có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở; nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao; tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại một và loại hai...
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận rằng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý "ngại mua" của khách hàng. Từ đó tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà chung cư (khó bán hàng), mở rộng ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà chung cư.
"Chính sách này nếu được ban hành sẽ thúc đẩy người dân tìm mua nhà đất, ít sử dụng chung cư, việc sử dụng quỹ đất nhà ở (vốn rất hạn chế) sẽ theo xu hướng không tiết kiệm và hiệu quả", VCCI góp ý.
Mặt khác, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng cho các chung cư xây dựng kể từ khi luật này có hiệu lực mà không áp dụng cho chung cư đang sử dụng, điều này có thể khiến cho khách có xu hướng tìm mua chung cư cũ và đẩy giá chung cư cũ đi lên.
"Ban soạn thảo cần đánh giá một cách kỹ càng, thận trọng đối với quy định mới này để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và sự phát triển của lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà chung cư, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình nhà chung cư", VCCI lưu ý.
Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư cũng sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các chủ sở hữu, khi yêu cầu chủ sở hữu phải thực hiện gia hạn thời hạn trong giấy chứng nhận cũng sẽ phát sinh rất lớn thủ tục hành chính, tạo sự phiền phức cho người dân.
"Tóm lại, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản vì vậy cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng”, VCCI nhận định.
Trước những ý kiến băn khoăn của các chuyên gia, Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng phải phá dỡ theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, lúc này, cần chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với căn hộ nhà chung cư và thực hiện xử lý như sau:
Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt vẫn tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì thực hiện phá dỡ để xây dựng lại theo quy định tại Chương V của luật này.
Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác với các phiên bản dự thảo trước đây, Bộ Xây dựng nêu nhiều phương án, tại dự thảo luật này, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất: sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn.
Giải thích của Chính phủ là luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.
"Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư", tờ trình Chính phủ nêu.