Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến kỳ họp tháng 10 tới, Quốc hội sẽ thông qua. Trong dự thảo của Chính phủ, liên quan đến ngưỡng không phải chịu thuế GTGT, Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ căn cứ tình hình thực tế để đề xuất cho phù hợp.
"Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ trình Quốc hội 3 mức không phải chịu thuế GTGT là dưới 200 triệu đồng/năm, 200 triệu đồng/năm và dưới 300 triệu đồng/năm và Quốc hội sẽ quyết định cuối cùng", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm, Tổng cục Thuế cũng sẽ đưa ra những đánh giá tác động để ngưỡng không chịu thuế đảm bảo sự công bằng giữa thuế GTGT, thuế TNCN của hộ kinh doanh và người làm công ăn lương, từ đó Quốc hội sẽ cân nhắc.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.
Trước đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi theo hướng quy định mức doanh thu không phải chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 200 triệu đồng/năm trở xuống. Trong trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật gần đây, về việc chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đã đề nghị nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT từ dưới 100 triệu đồng lên dưới 200 - dưới 300 triệu đồng/năm.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định cụ thể trong luật. Việc này nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch và đảm bảo phù hợp, tuân thủ quy định của Hiến pháp là “các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định”.
Thực tế, Luật thuế hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là dưới 100 triệu đồng/năm và đã quá lạc hậu. Đó là chưa kể, theo luật hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí bỏ ra mà tính thuế khoán theo tổng doanh thu nhận được. Theo đó, mỗi tháng hộ, cá nhân kinh doanh đạt doanh thu trên 12,5 triệu đồng, tương đương khoảng 400.000 đồng/ngày là đã phải đóng thuế.