Cụ thể, các cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tế, đặc biệt sau khi tăng lương từ ngày 1/7/2024.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính giải thích, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì luật đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này đã được điều chỉnh tăng vào năm 2020 nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho người dân.
Văn bản của bộ Tài chính nên rõ: "Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chỉ tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định".
Cử tri nhiều nơi đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sau tăng lương. (Ảnh minh họa)
Đối với biến động của chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Tài chính cho rằng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng của năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, kể từ thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020) đến nay, chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 11,47%. Do đó theo quy định thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, CPI tăng chưa đến 20%, do đó chưa đủ điều kiện để điều chỉnh.
Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ hiện tại đã cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người và còn cao hơn cả mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.
Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát toàn diện Luật thuế TNCN, trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh, để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung vào năm 2025.
Bộ Tài chính khẳng định việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải tuân thủ quy định của pháp luật và được xem xét kỹ lưỡng.