Theo khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Mặt khác, theo quy định của Quy chuẩn 41 năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải thì tín hiệu đỏ mang ý nghĩa báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Quy chuẩn 41 cũng quy định ý nghĩa của vạch liền nét màu trắng được bố trí tại các nút giao thông có đèn tín hiệu hay tại các nút giao có vạch người đi bộ qua đường như sau: "Dùng để xác định vị trí dừng xe để chờ tín hiệu cho phép đi tiếp. Vạch dùng để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122.
Vạch cũng dùng để xác định vị trí người điều khiển phải dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường".
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: XT)
Như vậy, khi dừng đèn đỏ, các phương tiện không được phép đè vạch hay đi quá vạch ngang đường, liền nét màu trắng. Nếu không sẽ bị coi là vi phạm luật giao thông đường bộ và bị xử phạt.
Ngoài ra, đè vạch khi dừng đèn đỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông lớn khi có thể xảy ra va chạm với xe đang lưu thông theo chiều vuông góc hoặc người đi bộ sang đường.
Hiện nay, phương tiện đè lên vạch kẻ đường (hoặc đi quá vạch kẻ đường) sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể mức phạt như sau:
- Đối với ô tô: 200.000 - 400.000 đồng;
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: 100.000 - 200.000 đồng;
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: 100.000 - 200.000 đồng;
- Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện: 80.000 - 100.000 đồng.