Theo đó, Sở Y tế đề nghị công nhận liệt sĩ với bác sĩ hạng III Trịnh Hữu Nhẫn, sinh năm 1961, Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè.
Theo Sở Y tế, bác sĩ Nhẫn đã mắc COVID-19 từ ngày 11/7 sau khi truy vết và lấy mẫu các ca bệnh trên địa bàn. Ngày 13/7, bác sĩ Nhẫn được chuyển đến điều trị Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức. Dù đội ngũ y bác sĩ nơi đây tích cực điều trị nhưng bác sĩ Nhẫn không qua khỏi do suy hô hấp, suy tim kèm viêm phổi. Anh đã mất vào ngày 4/8.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị xét công nhận liệt sĩ với 2 y bác sĩ tử vong khi chống dịch.
Trong khi đó, điều dưỡng hạng IV Trần Thị Phương Hằng, sinh năm 1979 công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã không ngại khó khăn tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc F0 tại khoa. Quá trình chăm sóc người bệnh, chị Hằng đã mắc COVID-19 và ngày 1/8 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.
Tại đây, chị Hằng được chăm sóc điều trị tận tình và khỏe lại với kết quả xét nghiệm âm tính đủ điều kiện xuất viện. Dù vậy, ngày 13/8 khi xe cấp cứu Bệnh viện Gia Định đưa chị về quê mẹ ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cách ly theo nguyện vọng của điều dưỡng Hằng. Tuy nhiên, khi vừa về đến nhà thì chị Hằng khó thở rồi đột ngột qua đời.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Căn cứ vào Điều 15 Luật viên chức năm 2010, quy định viên chức bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét đeer công nhân là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
“Để ghi nhận nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 của điều dưỡng Phương Hằng và bác sĩ Hữu Nhẫn, cũng như các nhân viên y tế khác tư vong do thực hiện nhiệm vụ, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế và UBND TP.HCM xem xét đề xuất các cơ quan liên quan ban hành chế độ chính sách và công nhận liệt sĩ cho hai nhân viên y tế theo quy định”, bác sĩ Thượng cho biết.