Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông

(VTC News) -

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Viện Luật châu Á (ASLI), các học giả đã chia sẻ nhiều khía cạnh liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Viện Luật châu Á (ASLI) với chủ đề “Tính toàn diện và đa dạng của luật pháp châu Á” được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore từ 31/5-01/6, với sự tham gia của hơn 600 đại biểu đại diện cho các tổ chức và chuyên gia luật pháp hàng đầu của châu lục và quốc tế.

Tại phiên thảo luận về Biển Đông, các học giả đã chia sẻ quan điểm về các chủ đề nóng và đang đặt ra thách thức đối với luật pháp quốc tế, cũng như sự nỗ lực giải quyết đến từ các quốc gia liên quan như thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU), vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á.

Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Viện Luật châu Á (ASLI) được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore từ 31/5-01/6.

Các tham luận đã đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa dân số thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thương mại toàn cầu và ngày càng trở thành khu vực quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21. Tuy nhiên, những xung đột và tranh chấp dai dẳng, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn và không dễ giải quyết.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đều khẳng định UNCLOS và phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài PCA là những cơ sở pháp lý vững chắc nhất và quan trọng nhất cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần kiềm chế hành động, tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực cùng nhau giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đẩy nhanh quá trình đàm phán COC.

Theo các chuyên gia, chỉ có tích cực đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau, tính đến lợi ích hài hòa giữa các bên, đồng thời thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác hướng tới tương lai lâu dài, mới là biện pháp tối ưu nhất trong giải quyết xung đột, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Phát biểu kết luận hội thảo, Tiến sỹ Jacques deLisle (Đại học Pennsylvania, Mỹ) đánh giá những diễn biến thời gian qua cho thấy các cấu trúc quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị và an ninh, đang thay đổi nhanh chóng. Các cấu trúc cũ đang mất đi ý nghĩa và vai trò trước đây của chúng, trong khi các cấu trúc mới đang dần hình thành.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng thể hiện tầm quan trọng và được cả thế giới quan tâm nhiều hơn, một loạt các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần lượt được ban hành trong những năm gần đây cho thấy rõ điều đó.

Trong khu vực này, một trong những xung đột trọng tâm là tranh chấp trên Biển Đông. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp này không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực mà còn với cả thế giới.

Hải Khánh

Tin mới