Thảo luận ở tổ ngày 10/11 về dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng (Đoàn Hải Phòng) cho hay, dự thảo luật quy định giấy phép lái xe được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
"Thời gian qua có rất nhiều nội dung liên quan đến thủ tục hành chính, chúng ta cứ nói rút ngắn nhưng liên quan đến đăng ký phương tiện giao thông, bằng lái xe lại rất nhiều thủ tục phức tạp", ông Băng nói.
Do đó, đại biểu đề nghị nếu không có ảnh hưởng gì với những giấy phép lái xe đã được cấp hợp pháp từ giai đoạn trước thì không phải đổi, trừ trường hợp cần thiết.
Còn với những trường hợp không nhất thiết, chỉ thay đổi về mẫu mã, ông Bằng cho rằng không nhất thiết phải đổi. Bởi điều này giúp tránh mất thời gian, kinh phí bởi dù cấp miễn phí cho người dân nhưng đây cũng là ngân sách nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Bình ( Đoàn Lai Châu) cũng đề nghị không cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định.
Đại biểu Vi Đức Thọ (Đoàn Sơn La) cũng nêu băn khoăn về căn cứ của "điều khoản chuyển tiếp" trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép mới theo lộ trình.
Theo ông, các giấy phép lái xe thuộc phạm vi trên chủ yếu là giấy phép lái xe máy không thời hạn, số lượng rất lớn. Nếu bắt buộc phải đổi có thể gây lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) cho rằng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay còn một số bất cập.
Ví dụ như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hóa người lái xe còn bị coi nhẹ. Đặc biệt, có trường hợp học viên không học lý thuyết, cơ sở đào tạo cắt giảm thời gian học thực hành lái xe, tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi…
Bên cạnh đó, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ. Ngoài nhóm hành nghề lái xe chuyên nghiệp được cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp quản lý; nhóm lái xe không chuyên còn khá thả nổi.
Vẫn theo ông Nam, hàng năm, lực lượng CSGT xử lý khoảng 5 triệu trường hợp vi phạm và hiện nay đang tạm giữ hàng trăm ngàn giấy phép lái xe nhưng không có người đến nhận. Điều đó cho thấy cơ chế quản lý, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe chưa chặt chẽ.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị xác định lại vai trò, vị trí của công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái xe, phải gắn với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch phải được chú trọng hơn nữa. Cơ quan quản lý cũng nên tính toán, ứng dụng công nghệ vào công tác này, có thể thông qua giấy phép lái xe để tích hợp thông tin của người lái xe từ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, xử lý vi phạm hoặc tai nạn giao thông…
Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin, hiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đang quản lý trên 8,8 triệu giấy phép lái xe ô tô và trên 46,7 triệu giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy.
Quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp giấy tờ đang gặp khó khăn bởi còn hơn 20 triệu giấy phép lái xe mô tô bằng giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Các giấy phép này chỉ hiển thị tên và năm sinh, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ được vào dữ liệu quốc gia về dân cư…