Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại tổ sáng 10/11 về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Quang cho rằng, những năm gần đây, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, phương tiện giao thông cơ giới tăng vọt.
"Theo thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 57,1 triệu giấy phép lái xe, trong đó 47,6 triệu giấy phép lái xe mô tô, 9,5 triệu giấy phép lái xe ô tô. Cả nước hiện có khoảng 340 cơ sở đào tạo lái xe và 137 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới dường bộ thuộc các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân", ông Quang nêu con số dẫn chứng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang phát biểu thảo luận.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, ở từng khâu vẫn đang nổi lên những vấn đề tồn tại, hạn chế lớn như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hoá người lái xe còn bị coi nhẹ.
Đặc biệt, qua một số vụ án công an phát hiện liên quan đến các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thời gian qua cho thấy có hàng chục nghìn trường hợp học viên không học lý thuyết; nhiều cơ sở đào tạo lái xe cắt giảm thời gian học thực hành kỹ năng lái xe; việc tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi.
"Điều này dẫn đến tình trạng không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, vượt qua kỳ sát hạch và được cấp giấy phép lái xe nhưng lại không được đào tạo đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ.
Ở nước ta có hai dạng lái xe là lái xe chuyên nghiệp và không chuyên. Sau khi được cấp giấy phép lái xe hầu như không có biện pháp quản lý. Những người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có một số được cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp quản lý, còn lại đều thả nổi", đại biểu nhận định.
Thực tế xuất hiện nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khoẻ, tâm thần, nghiện ma tuý. Theo thống kế của Bộ Công an, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng công an xử lý hơn 2.000 tài xế sử dụng ma túy. Hàng năm, CSGT xử lý khoảng 5 triệu trường hợp vi phạm.
Hàng trăm nghìn giấy phép lái xe bị cảnh sát thu giữ nhưng không có người đến nhận. Điều đó cho thấy cơ chế quản lý, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe chưa chặt chẽ.
Vị ĐBQH đoàn Đồng Nai cho rằng, việc quản lý người lái xe là vấn đề đặc biệt quan trọng, phải được thể hiện rõ trong các nội dung của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; nội dung quản lý phải bảo đảm xuyên suốt, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến quá trình chấp hành pháp luật về giao thông.
"Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, làm rõ hơn một số quy định của Luật trong quản lý người lái xe. Trong đó, cần xác định lại vai trò, vị trí của công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái xe, phải gắn với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Phải có cơ quan chịu trách nhiệm và quản lý người được cấp giấy phép lái xe sau khi được cấp phép", đại biểu nhấn mạnh.
Ông Quang cho rằng, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe có thể tích hợp các thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, tai nạn giao thông; hệ thống giám sát hành trình giao thông; cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh của ngành y tế.
Cơ quan chức năng có thể xác định số km lái xe an toàn qua giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải để nâng hạng giấy phép lái xe hoặc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe, cơ quan y tế trong kiểm soát sức khoẻ người lái xe.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe, vì thực tế có nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn những chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Nhiều nước đang áp dụng biện pháp này để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Quochoi.vn).
Trước đó, đọc tờ trình về Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.
Một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện như: Quy tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tuần tra, kiểm soát; quản lý phương tiện giao thông; quản lý người điều khiển phương tiện giao thông; quản lý, vận hành trung tâm chỉ huy giao thông…
“Việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.