Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: Rủi ro pháp lý khiến cán bộ không dám làm hoặc nhắm mắt làm liều

(VTC News) -

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, hệ thống văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm, ai liều thì "nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù".

Ý kiến này được đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024.

Trước thực trạng có bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị phải rà soát văn bản quy phạm pháp luật và tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức. 

Đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Bà Luyến cho rằng, vấn đề tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức có mối quan hệ tương quan rất chặt chẽ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Nếu quy định rõ mà cán bộ công chức không làm thì thuộc về trách nhiệm của cán bộ công chức. Ngược lại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất thì cán bộ công chức sẽ giữ gìn sự an toàn của mình, không ai dám làm những việc mà pháp luật quy định không rõ ràng. Hiện đã có một số cán bộ phải chịu hậu quả rủi ro về pháp lý vì các quy định không rõ ràng.

“Nếu anh nào liều, cứ quyết làm thì nhắm mắt làm, nhưng đến khi có sự kiện xảy ra, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan điều tra vào thì chỉ áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ. Vậy thì cứ nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù chứ gì?

Vậy ai dám chắc rằng tôi nhận thức đầy đủ về hậu quả pháp lý sẽ xảy ra nếu như áp dụng các quy định của pháp luật?”, đại biểu Lò Thị Luyến trăn trở.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, vấn đề văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các quy định mâu thuẫn, chồng chéo khiến địa phương không làm được, cán bộ công chức không dám làm.

Nữ đại biểu lấy ví dụ tỉnh Điện Biên đã đề nghị nhiều lần giữa Nghị định quy định chi tiết Luật Tài nguyên nước 2012 và Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 có sự xung đột nhau. Hai Nghị định này xung đột nên UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ công chức không dám liều để làm.

“Trong trường hợp chúng tôi liều, nhắm mắt làm, nếu không có vấn đề gì xảy ra thì không sao, nhưng nếu có vấn đề, sự kiện xảy ra mà cơ quan điều tra, các cơ quan khác vào kiểm tra thì 2 nghị định xung đột, mâu thuẫn nhau. Như vậy thì có ai dám làm không.

Như vậy, nếu chúng ta đánh giá cán bộ công chức né tránh trách nhiệm là chưa đánh giá đầy đủ bản chất. Trên tinh thần xây dựng, tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục lắng nghe và đồng hành cùng địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc về hệ thống pháp luật, làm sao để tạo điều kiện cho cán bộ công chức có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và không để hậu quả pháp lý xảy ra với cán bộ thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ.

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, khi đã có sự không đồng nhất thì cần sửa đổi bổ sung kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc triển khai áp dụng pháp luật và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức có cơ sở căn cứ pháp lý rõ ràng thực thi nhiệm vụ công vụ, như vậy mới kỳ vọng khắc phục được tình trạng né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Minh Tuệ

Tin mới