Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc nghi vấn Công ty Tenma hối lộ

(VTC News) -

ĐBQH đề xuất trong tất cả các dự án, cần thiết kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc để kiểm tra và giám sát, đơn cử như nghi vấn Công ty Tenma hối lộ công chức mới đây.

Đại biểu đề xuất ý kiến này tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV với phiên thảo luận về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sáng 28/5. 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình nêu vấn đề về kiểm toán đầu tư dự án. "Trong dư luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp chậm chạp do những cá nhân tìm cách này, tìm cách kia để bôi trơn", ông Phương nói.

Viện dẫn sự việc Công ty Tenma Việt Nam bị nghi hối lộ công chức, vẫn đang bị ráo riết điều tra, ông Phương đặt câu hỏi "Vì sao Nhật Bản phát hiện mà ta lại không phát hiện được?".

Trụ sở Công ty Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh. (Ảnh: Văn Chương)

"Nghi vấn bôi trơn cho thấy, lần thứ nhất là 2,2 tỷ đồng, lần thứ hai 3,3 tỷ mà mình lại không phát hiện được. Thế nhưng Nhật Bản họ lại phát hiện ra. Tôi thấy rằng, trong tất cả các dự án hiện nay, cần thiết kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc để kiểm tra, giám sát”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cho biết, yêu cầu kiểm toán toàn diện là không hợp lý, bởi có những dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, thì phần đấy là tài sản công; Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư họ đầu tư vào thì chỉ có thể kiểm soát giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.

Ông Sinh lấy ví dụ về nước sạch: "Nước sạch cung cấp bao nhiêu m3/ngày, chất lượng nước ra làm sao, giá thành bao nhiêu... Người ta đầu tư sử dụng công nghệ gì không ảnh hưởng đến môi trường. Công nghệ tiên tiến thì người ta phải đầu tư cao nhưng chất lượng xử lý loại tốt, vậy chúng ta có nên kiểm toán hay không?”.

Cũng theo đại diện đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị, có 3 nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án, gồm: toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu; Kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ đầu ra cho xã hội; Kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.

Những phần mà có cấu phần liên quan đến vốn Nhà nước và vốn tư nhân hoặc là hoàn toàn vốn tư nhân, trong luật đã quy định là cơ quan ký hợp đồng phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập, kiểm toán một cách minh bạch. Tôi cho rằng cách thiết kế như vậy vừa đúng với Hiến pháp và đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và của nhân dân”, ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Lạng Sơn cho rằng, dự án PPP mang tính chất đặc thù và cơ chế đặc thù. Theo vị đại biểu, việc áp dụng kiểm toán không thể áp dụng theo kiểm toán công toàn bộ và cũng không thể để một cơ chế tư toàn bộ.

Đại diện đoàn Hậu Giang, ông Đặng Thế Vinh lại cũng cho rằng một dự án thực hiện 4 cuộc kiểm toán là quá nhiều và gây bất cập. Ông Vinh phân tích, nếu thực hiện kiểm toán ngay khi bắt đầu triển khai dự án về việc tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư thì quá sớm. Vị này cũng đặt nghi vấn về việc nếu kiểm toán ban đầu có đảm bảo sau này không xảy ra sai phạm? "Kiểm toán ban đầu cũng không phải là chứng chỉ để sau này không phải kiểm toán nữa”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Vinh, sẽ là bất cập nếu kiểm toán phần vốn Nhà nước mà dự án đó phần vốn Nhà nước tham gia rất nhỏ trong khi chúng ta lại không biết giá trị công trình.

"Kiểm toán hoạt động phải đánh giá toàn diện thì mới đưa ra được đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả”, đại biểu Đặng Thế Vinh cho biết.

Phi Linh

Tin mới