ĐBQH: Chỉ được đầu tư sân bay nhỏ, hầu hết doanh nghiệp tư nhân đều thua lỗ.
Thảo luận tại Quốc hội chiều 31/5, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau nói Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa phát triển cảng hàng không trên cả nước, song việc cụ thể hóa chủ trương này vẫn còn nhiều bất lợi với nhà đầu tư.
Đại biểu Thanh đặt câu hỏi: “Vì sao doanh nghiệp tư nhân chỉ được đầu tư sân bay cỡ nhỏ và vừa và hầu hết sân bay này đều thua lỗ?".
Trong khi đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tiếp tục đầu tư khai thác 6 sân bay lớn có lãi lớn nhất hiện nay gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Long Thành (đang xây dựng).
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, chỉ tính riêng 5 sân bay đang vận hành trong danh sách trên đã chiếm 78% thị phần khách hàng và 90% thị phần hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.
Theo ông Thanh, một nguyên nhân nữa khiến tư nhân chưa mặn mà đầu tư sân bay là cơ chế chính sách chưa hấp dẫn. Khi cải tạo, nâng cấp, xây mới sân bay theo chủ trương xã hội hóa phải đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP). Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng sân bay tại Cà Mau có nguy cơ "bị bỏ rơi" vì ACV không có trách nhiệm mở rộng, nâng cấp.
Ngay cả khi ACV có trách nhiệm đầu tư sân bay Cà Mau thì tỉnh cũng phải đợi thêm nhiều năm nữa. Còn nhà đầu tư tư nhân chưa thấy hấp dẫn nên không tham gia dù tổng vốn đầu tư cho sân bay Cà Mau chỉ 4.700 tỷ đồng, tương đương 20 km cao tốc Dầu Giây - Long Thành.
Đại biểu Thanh kiến nghị Quốc hội nghiên cứu để sớm điều chỉnh, hoàn thiện chính sách đầu tư khai thác cảng hàng không, bởi đầu tư sân bay là bệ đỡ để tăng quy mô, tăng tính cạnh tranh, tăng tốc phát triển ngành hàng không; đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương và hiệu quả hội nhập quốc tế.
Ông Thanh cho rằng, địa hình Việt Nam phù hợp với loại hình hàng không. Dù cả nước hiện có 22 cảng nhưng nhiều nơi quá tải, dịp cao điểm thường xuyên ùn tắc, chậm chuyến. Số lượng sân bay này cũng ít hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (38 sân bay), Malaysia (66 sân bay), Philippines (70 sân bay).
"Cần tăng số lượng cảng hàng không, sân bay nhưng không nên dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, địa phương có nhu cầu mở sân bay cần được tạo thêm cơ chế thu hút đầu tư để phát triển sân bay", đại biểu Thanh đề xuất.