Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ủy ban Quản lý vốn: ACV chưa nên đầu tư sân bay Điện Biên

ACV được khuyến nghị chưa nên đầu tư xây mới sân bay Điện Biên để đảm bảo cân đối cho các dự án cảng hàng không trọng điểm khác.

Khuyến nghị trên được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đưa ra trong báo cáo gửi Chính phủ. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

CMSC cho biết, ACV đã rà soát, tính toán điều chỉnh quy mô đầu tư dự án. Về hiệu quả tài chính, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR (tỉ lệ lợi nhuận được sử dụng trong lập ngân sách vốn để đo lường và so sánh các lợi nhuận đầu tư) chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng (NPV) âm 1.250 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 50 năm.

ACV chưa nên đầu tư sân bay Điện Biên.

Do đó, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định của Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. "Nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng, trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay sẽ không đúng bản chất và không phù hợp", Ủy ban cho biết.

Cùng với đó, theo báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và ACV, cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới và không phải là cảng hàng không trung chuyển chính, không có tiềm năng du lịch. Hiện tại, sân bay này vẫn khai thác chưa hết công suất.

Theo Ủy ban, việc đầu tư dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét. Nhưng việc đầu tư phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

CMSC cho biết, ACV báo cáo tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án của doanh nghiệp phụ trách giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 136.500 tỷ đồng. Trong đó, 21 cảng hiện hữu hơn 43.400 tỷ đồng, dự án sân bay Long Thành gần 94.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, tổng tiền mặt ACV sở hữu là hơn 31.000 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn tiền tích lũy của ACV giai đoạn 2020 - 2025 giảm rất mạnh so với các dự báo trước đây do ảnh hưởng của COVID-19 và áp dụng các chính sách mới tương tự doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, ACV dự báo lợi nhuận đến năm 2025 vẫn thấp hơn mức năm 2019. Trong khi đó, hiện ACV cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm như: Xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài và xây dựng sân bay Long Thành.

Trên cơ sở này, Ủy ban khẳng định: "Hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV".

Hiện tại, Điện Biên là sân bay nội địa cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994, chỉ đón được máy bay ATR72.

Cuối năm ngoái, ACV đề xuất xây mới khu bay, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 8, doanh nghiệp này đề xuất chưa xây mới toàn bộ cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, tổng mức đầu tư giảm còn hơn 1.500 tỷ đồng.

ACV dự kiến xây mới đường cất hạ cánh bảo đảm khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đỗ A320/A321. Thay vì xây mới, ACV dự kiến chỉ cải tạo, mở rộng nhà ga hiện tại từ công suất 300.000 khách một năm lên 500.000 khách/ năm.

Nguồn: VnExpress

Tin mới