Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (21/8), đại biểu Quốc hội phản ánh, phát triển sản phẩm du lịch là mô hình mới, địa phương du lịch nào có mô hình này đều triển khai khá tốt nhưng sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ Bảy, Chủ nhật.
Từ thực tế trên, đại biểu Quốc hội đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách để kích cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTT&DL đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách để làm các sản phẩm.
“Có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải bộ”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Cho rằng “bộ làm sản phẩm du lịch cho địa phương thế nào được”, Bộ trưởng lấy ví dụ bộ gợi ý TP.HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm và trên cơ sở như vậy, TP.HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến.
“Tôi nghĩ mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, buộc địa phương phải suy nghĩ. Chúng tôi có đề án, có khung, gợi ý cách làm rồi, chứ không làm thay cho địa phương được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho biết du lịch là một trong những nghề được thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA-TP). Chính vì vậy ông đề nghị được biết giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam để có thể đáp ứng yêu cầu.
“Chúng tôi có nhiều cảnh báo, nếu trong lực lượng lao động du lịch không vươn lên thì lực lượng nước khác sẽ vào”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu.
Ông dẫn thống kê cho thấy 70% lao động trong du lịch làm công tác lưu trú, 20% thuộc lữ hành và 10% ở lĩnh vực khác. Bộ luôn đề nghị các cơ sở du lịch tập trung nâng cao nguồn lao động này để đáp ứng yêu cầu. Bởi, khi hội nhập, công nhận bằng cấp lẫn nhau thì không thể dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế.
“Hiện chưa có lực lượng lao động du lịch bên ngoài vào, nhưng nhân sự quản lý cấp cao ở một số điểm lưu trú thì người nước ngoài đang làm. Đề nghị DN tập trung chăm lo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh”, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói.