Nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng nhận ra con mình đã nghiện game từ lúc nào không hay. Nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và kết quả học tập của trẻ.
Theo TS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), nghiện game online để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.
Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách nên nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.
Các chuyên gia của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, bản chất việc lạm dụng Internet/game có tác động đến tâm thần giống như sử dụng chất gây nghiện. Về dấu hiệu trẻ nghiện game, bác sỹ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần), khuyến cáo: “Cha mẹ khi thấy con chơi Internet 2-3 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc thì cần phải có can thiệp ngay, chứ đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị. Vì khi đó, việc tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự kiên trì điều trị. Khi đó, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện với con, đừng để con trốn tránh trong thế giới game một mình”.
Cần sớm nhận ra những dấu hiệu trẻ nghiện game.
“Một trong những nguyên nhân gây ra nghiện game, theo các chuyên gia, có yếu tố thúc đẩy từ xung đột tâm lý. Đặc biệt, ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt khiến các em cô đơn, bất mãn, chán nản. Việc chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc…” - bác sỹ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc nói.
Các chuyên gia cho biết, nếu trẻ chơi game 4 tiếng/ngày, cha mẹ cần nghĩ đến vấn đề bệnh lý, nhất là khi con giảm các hoạt động khác như: Ít tương tác xã hội, ít hoặc không tập thể dục thể thao, sụt giảm kết quả học tập... Với bệnh nghiện game online, bên cạnh việc sử dụng thuốc, các liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý và điện trị liệu sẽ giúp cải thiện tâm lý và hành vi của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nghiện Internet, game online thường kéo theo rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… khiến việc điều trị phức tạp, kéo dài và khả năng tái nghiện cao.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh khuyên, khi có dấu hiệu trẻ nghiện game, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online. Theo đó, cần thảo luận với con về hậu quả của nghiện game. Tuy nhiên cần lưu ý, trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm nên cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm kiếm những bài báo, tài liệu đáng tin cậy để minh chứng cho trẻ rằng chơi game online quá độ sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân trẻ.