Bộ Y tế cho biết, biến thể Omicron đang gia tăng và phổ biến ở các tỉnh, thành, nhất là Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc COVID-19 chủng Omicron. Tại TP.HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, với việc lưu hành cùng lúc 2 biến thể của SARS-CoV-2, một người có thể tái mắc COVID-19 sau 1 đến 3 tháng từ thời điểm khỏi bệnh. Tuy nhiên, biến thể Omicron được cho là có những dấu hiệu nhẹ hơn Delta.
Theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành), giữa chủng Delta và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau. Người nhiễm biến chủng Delta rất nhiều người bị mất khứu giác (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm lây của nhau không ai mất mùi thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.
Các chuyên gia cũng cho rằng, triệu chứng nổi bật của Omicron là triệu chứng cảm kết hợp đau rát họng, sổ nước mũi và không ít người test nhanh vẫn âm tính dù đủ các triệu chứng.
Nếu test nhanh âm tính, người bệnh cũng không nên vội mừng và có thể làm xét nghiệm PCR hoặc chờ thêm 1, 2 ngày để test lại. Người bệnh cũng cần chữa các triệu chứng của bệnh để giảm nhẹ tình trạng bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng chia sẻ, giữa 2 biến thể Delta và Omicron có những đặc điểm khác nhau. “Omicron ít hơn một số triệu chứng và nhiều hơn một số triệu chứng so với Delta, tuy nhiên không thể chỉ dựa triệu chứng để có thể chẩn đoán mắc Omicron hay Delta”.
Cũng theo bác sĩ Khanh, Omicron có một số triệu chứng giống cảm, ví dụ bệnh nhân bị sổ mũi, sịt sịt, khan tiếng… “Các bệnh nhân mắc Omicron thường rất ít bị mất khứu giác nhưng không có nghĩa là không có triệu chứng này. Nên việc dựa vào các triệu chứng để khẳng định mắc Omicron hay Delta là không chính xác. Muốn biết chúng ta phải giải trình tự gene”.
Cũng theo bác sĩ Khanh, chủng Omicron nhẹ hơn Delta kể cả với các đối tượng như người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền nhưng không có nghĩa là không có người bệnh nặng.
Khuyến cáo quan trọng nhất vẫn là tiêm đầy đủ các mũi vaccine và thực hiện biện pháp 5K. “Dù mắc biến thể nào, cách chữa trị cũng không khác nhau. Chúng ta phải chữa trị theo triệu chứng. Ví dụ sốt trên 38.5 độ sẽ uống hạ sốt, ho uống thuốc ho… Với thuốc kháng virus cần tùy đối tượng người bệnh và do bác sĩ chỉ định”, BS Khanh nói.
Cũng theo bác sĩ Khanh, việc Omicron đang dần chiếm ưu thế so với Delta là một tín hiệu vui bởi dù tốc độ lây lan nhanh nhưng triệu chứng nhẹ hơn và biến chủng này xuất hiện đã đánh dấu sự suy yếu của virus.
Bác sĩ Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Mỹ, cũng thông tin, tính đến ngày 4/3/2022, tình trạng Covid-19 tại Mỹ đã giảm nhiệt.
“Thường tình trạng dịch tại Việt Nam sẽ đi theo sau Hoa Kỳ và Châu Âu một vài tháng, đặc biệt với biến chủng Omicron. Hiện số ca mắc tại Việt Nam còn cao hơn số ca tại Hoa Kỳ lúc lên đỉnh dịch. Nói như vậy để biết Omicron đến nhanh đi cũng sẽ nhanh”, bác sĩ Huynh Wynn Trần chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, Omicron nhẹ hơn nhiều so với các “biến thể ông bà, cha mẹ” của nó là Alpha là Delta. Nhưng vấn đề đáng quan ngại là dù bệnh nhân nhẹ nhiều nhưng quá nhiều ca mắc sẽ dễ làm y tế của một nước quá tải. Thêm vào đó, cũng do bệnh nhân COVID-19 nhiều nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của các loại bệnh khác.