Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dấu ấn 14 kỳ Liên hoan Phát thanh với những người làm báo nói

(VTC News) -

Trải qua chặng đường gần 30 năm với 14 kỳ, Liên hoan Phát thanh đánh dấu sự trưởng thành cả về lượng và chất, trở thành ngày hội của những người làm báo nói cả nước.

Thi nghiệp vụ Phát thanh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN - VOV) tổ chức từ những năm 78-80 của thế kỷ XX, nhưng khi đó, việc tổ chức liên hoan chỉ diễn ra trong quy mô hẹp với sự tham gia của các đơn vị biên tập Đài TNVN.

Ngày 16/8/1993, Nghị định 53 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Đài TNVN đã mở ra sự phát triển ngành phát thanh một cách toàn diện cả chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Cũng từ đây, Đài TNVN đã quyết định nâng cấp cuộc thi nghiệp vụ của Đài thành Liên hoan Phát thanh toàn quốc, tạo sân chơi cho những người làm phát thanh cả nước có điều kiện thi thố tài năng làm báo nói, tạo sân chơi để các nhà báo phát thanh giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm lần thứ XIV năm 2020.

Thời điểm đó, ông Trần Đức Nuôi là Trưởng Ban Thư ký Biên tập của Đài TNVN đã được TGĐ Đài TNVN Phan Quang giao nhiệm vụ tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ nhất. Ông cho biết: Điều đầu tiên lãnh đạo Đài giao Ban thư ký biên tập thực hiện đó là phải ra được điều lệ của Liên hoan Phát thanh, sau đó bàn bạc tham mưu việc chọn lựa thể loại nào để thi, cách đánh giá, chấm điểm, rồi các hoạt động bên lề như hội thảo, gặp mặt, trao cờ… Ngay việc Tổng Giám đốc có đánh trống khai mạc liên hoan không cũng được bàn bạc, phân tích rất kỹ…

Sau khi chuẩn bị kỹ càng, đến đầu tháng 12/1994, Liên hoan Phát thanh lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Và địa điểm đầu tiên được chọn để tổ chức liên hoan đó là Thủ đô Hà Nội. Ngay liên hoan đầu tiên đã có 51 trong tổng số 53 đài PTTH tỉnh, thành phố tham gia cùng 9 đơn vị thuộc Đài TNVN. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đến dự khai mạc và bế mạc.

Liên hoan nhận được gần 300 tác phẩm gồm 4 thể loại: Phóng sự; Câu chuyện truyền thanh; Sân khấu truyền thanh; Âm nhạc với chất lượng rất tốt. Một Ban giám khảo gồm các nhà báo của Đài TNVN, các đài địa phương, các nghệ sỹ, giảng viên báo chí đã chấm, thẩm định để giới thiệu cho Ban tổ chức trao 4 huy chương vàng cho 4 thể loại; 22 huy chương bạc, 55 bằng khen.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII.

Thành công của liên hoan lần thứ nhất là tiền đề để việc tổ chức Liên hoan Phát thanh sau đó. Mỗi kỳ liên hoan lại có những đổi mới như Liên hoan Phát thanh được đưa về địa phương tổ chức như TP.HCM, Quảng Ninh, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Tháp… Nhiều thể loại mới được đưa vào tổ chức thi như ca nhạc, phỏng vấn, tọa đàm, người dẫn chương trình, kỹ thuật dàn dựng và đặc biệt việc đưa thể loại phát thanh trực tiếp vào dự thi đã thực sự mang lại luồng gió mới, sức mạnh và không khí cho Liên hoan Phát thanh toàn quốc…

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 2 năm 1995 được tổ chức tại TP.HCM. So với Liên hoan lần thứ nhất, chất lượng tác phẩm dự thi trong liên hoan lần thứ 2 có những tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt đối với nhiều đài địa phương ở cả miền núi và đồng bằng cả nước. Đặc biệt là việc lựa chọn thể loại phỏng vấn thu thanh vào liên hoan đã gây được tiếng mang trong hoạt động nghề nghiệp đối với những người làm báo phát thanh. Đây là một thể tài chính luận, có tính tác chiến cao.

Với 80  tác phẩm của 56 đơn vị dự thi, các tác giả từ Trung ương đến địa phương khi thực hiện thể tài này đã có sự tìm tòi, áp dụng nhiều hình thức phỏng vấn theo lối làm phát thanh hiện đại như phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn phát trực tiếp, phỏng vấn một câu hỏi với nhiều đối tượng thực sự đem hơi thở của cuộc sống vào làn sóng phát thanh, đem đến cho thính giả những thông tin mới nhất, giải đáp được nhiều vấn đề mà thính giả đang đòi hỏi.  

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII.

Tiếp đó, Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau như lần thứ 3 năm 1996 tại Nha Trang, Khánh Hoà, lần thứ 4 từ cuối tháng 12/1997 đến ngày 3/1/1998 tại Hà Nội. Sau này, Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Qua mỗi lần tổ chức đã có những đổi mới trong cách thức tổ chức và mở rộng đơn vị tham gia đáp ứng nhu cầu của những người làm báo phát thanh đông đảo từ trung ương đến cơ sở. Tại Liên hoan lần thứ 7 năm 2005, chương trình truyền thanh cơ sở lần đầu tiên tham dự Liên hoan Phát thanh, cũng là lần đầu tiên đem đến một tiếng nói mới, một dáng vẻ mới cho ngày hội nghề nghiệp vụ của ngành phát thanh.

Qua đây, có thể khẳng định vai trò của phát thanh cơ sở đối với người dân. Bởi các chương trình phát thanh cơ sở đều bám sát hơi thở cuộc sống địa phương, nói lên tiếng nói của địa phương mình, bà con mình. Một ấn tượng đối với Ban giám khảo cũng như những người tham gia liên hoan lần này đó là "Chương trình truyền thanh Bản Gà", tỉnh Bắc Giang. Ban giám khảo ở vòng 2, sơ khảo và chung khảo rất thích thú và thống nhất gần như một trăm phần trăm trong thẩm định và cho điểm tuyệt đối. Với giọng đọc truyền cảm rõ ràng mạch lạc của nữ phát thanh viên, với nội dung giản dị thiết thực, kết cấu chương trình gọn và chặt chẽ, “Chương trình truyền thanh Bản Gà” đã thực sự tạo nên một hiệu quả phát thanh bất ngờ.

Cũng từ Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã tạo tiền đề cho các đài Phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố tổ chức liên hoan phát thanh tại địa phương nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các đài truyền thanh cơ sở, cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên đáp ứng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, thông qua liên hoan, sẽ lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc, sát thực với người dân ở cơ sở tham dự liên hoan phát thanh toàn quốc.

Điều quan trọng mà tất cả những người làm phát thanh đều chung một ý kiến rằng: Việc tổ chức Liên hoan Phát thanh ngày càng chuyên nghiệp hơn, sinh động hơn và thực sự là ngày hội của những người làm phát thanh bởi chất lượng tác phẩm tham gia ngày càng cao, các hoạt động tổ chức ngày càng nhiều hơn, thiết thực hơn, nhiều hoạt động bên lề tạo sự gần gũi, gắn bó hơn…

Mấy năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, Ban Thư ký biên tập và Trung tâm R&D đã phối hợp để taọ phần mềm chấm điểm vì vậy việc nhận tác phẩm, chấm, thẩm định và tổng hợp điểm đã thuận lợi, khoa học và chính xác hơn rất nhiều.

14 kỳ liên hoan phát thanh được tổ chức cũng là quãng thời gian ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị trong Đài như Ban Thư ký biên tập, Văn phòng, Trung tâm R&D, Trung tâm Sản xuất lưu trữ, Ban Hợp tác quốc tế, kế hoạch tài chính, Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền thông…

 Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 được tổ chức tại TP.HCM, Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 30/3/2022. 

Liên hoan Phát thanh lần thứ XV – 2022 năm nay diễn ra tại TP.HCM là một liên hoan phát thanh đặc biệt khi cả nước vừa trải qua những tháng ngày chiến đấu với đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc tổ chức Liên hoan đã được Lãnh đạo Đài chuẩn bị hết sức chu đáo bởi việc Liên hoan được tổ chức tại TP.HCM sẽ khẳng định sức mạnh của chúng ta chiến thắng đại dịch và cũng là dịp để các nhà báo phát thanh cùng nhau gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm trong tuyên truyền, tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh.

Với chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi, thích ứng vượt lên” đã có tất cả 63 Đài PT-TH các tỉnh thành phố cả nước và tất cả các đơn vị của Đài TNVN tham gia liên hoan. Số lượng 500 tác phẩm dự thi cũng là số lượng nhiều nhất trong 15 kỳ liên hoan được tổ chức.

Đặc biệt, nhiều hạng mục mới đã được đưa vào dự thi như Giọng vàng, Kỹ thuật dàn dựng chương trình, Sử dụng hạ tầng số… đã thu hút sự tham gia của các đơn vị. Các tác phẩm dự thi được hội đồng sơ khảo đánh giá có chất lượng tốt cả nội dung và hình thức. Năm nay, các tác phẩm đi sâu phản ánh việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, nhiều điển hình, nhân tố mới và cả những tác phẩm đậm chất phản biện… Nhưng có lẽ, dấu ấn mạnh mẽ nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 từ Trung ương đến các địa phương. Qua những tác phẩm này thấy cả sự quả cảm, những quyết định lịch sử, thấy cả những giọt mồ hôi của lực lượng chống dịch, những đau thương, mất mát mà đại dịch gây ra… Liên hoan cũng tổ chức các hội thảo như Hội thảo quốc tế về kinh tế báo, hội thảo về chuyển đổi số trong phát thanh, hội thảo về phát thanh trực tiếp… với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà báo, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) là đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV đã tham mưu để Lãnh đạo TP.HCM tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Liên hoan Phát thanh và chính bản thân Đài VOH cũng giành mọi tâm huyết, điều kiện về vật lực, nhân lực để phối hợp với VOV tổ chức thành công liên hoan này như một sự tri ân với đồng nghiệp cả nước một năm qua đã giành tình cảm cho thành phố và cũng là để khẳng định sức sống mãnh liệt của thành phố, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này.

Tiếng trống khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc sắp vang lên. TP.HCM đang chờ đón những người làm phát thanh. Hy vọng Liên hoan Phát thanh lần thứ XV lại đem đến cho mỗi nhà báo phát thanh nguồn cảm hứng lớn lao để tiếp tục mang đến cho công chúng những chương trình phát thanh giàu về nội dung, đẹp về hình thức.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (VOV)

Tin mới