Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đập nước ở Nghệ An vỡ giữa trời nắng hạn: Gần 25.000 dân mất nước sinh hoạt

(VTC News) -

Do sự cố vỡ đập dâng Bara nên hàng chục nghìn người dân của huyện Đô Lương (Nghệ An) bị mất nước sinh hoạt.

Ngày 7/6, do đập dâng Bara Đô Lương (Nghệ An) vỡ, mực nước sông Đào xuống mức thấp kỷ lục, khiến hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng.

Gần 8.000 hộ dân (với gần 25.000 nhân khẩu) của 7 xã và một thị trấn của huyện Đô Lương mất nước sinh hoạt trong ngày 7/6.

Sau sự cố vỡ đập, Trạm cấp nước Đô Lương (Công ty CP Cấp nước Nghệ An) huy động cán bộ nhân viên tập trung máy móc, thiết bị để lắp đặt thêm đường ống và máy bơm dã chiến, tạm thời bơm chuyền vào bể chứa. 

Video: Đập dâng Bara Đô Lương bị vỡ

Trả lời VTC News, ông Võ Đăng Dũng, Trạm trưởng Trạm cấp nước Đô Lương cho biết: "Do sự cố vỡ đập Bara Đô Lương nên Trạm cấp nước bị ảnh hưởng. Mực nước sông Đào nơi nhà máy đặt trạm bơm xuống gần 2m, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Do vậy chúng tôi huy động tất cả lực lượng để khắc phục sự cố với mục tiêu phục vụ người dân là trên hết. Ngay trong đêm nay chúng tôi sẽ khắc phục xong, người dân sẽ có nước sinh hoạt bình thường". 

Công nhân Trạm cấp nước Đô Lương nỗ lực khắc phục sự cố do ảnh hưởng của vỡ đập Bara.

Sự cố vỡ đập dâng Bara Đô Lương không chỉ gây mất nước sinh hoạt trên diện rộng, mà còn gây nên hiện tượng tụt mực nước đầu kênh dẫn dòng, dẫn đến không đủ lượng nước theo yêu cầu chảy vào kênh chính, nước vào hệ thống Thủy lợi Bắc bị thiếu hụt từ 50 - 70%, gây khô hạn vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu. 20.000 ha lúa gieo cấy bị ảnh hưởng.

Chiều 7/6, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác có mặt tại hiện trường nơi vỡ đập, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả sự cố. 

Nguyên nhân vỡ đập được xác định là do công trình xây dựng từ lâu (hơn 80 năm) nên nhiều chỗ bê tông bị lão hóa, không đảm bảo cường độ chịu lực, hệ thống chân đập bị rỗng dẫn đến đập đỗ vỡ.

Hiện trường vỡ đập Bara Đô Lương.

Phó Chủ tịch Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật như hợp long sớm, đóng cọc, chậm nhất đến ngày 11/6 phải đảm bảo mực nước cho hệ thống thủy lợi Đô Lương ở cao trình trên +10 m, vừa đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu tưới; có phương án để hoàn thành thi công các khoang trước 30/8/2020, trước tiến độ được phê duyệt 1 năm. 

Chi cục Thủy lợi Nghệ An có thông báo về ảnh hưởng của sự cố để các đơn vị thủy nông và các địa phương có phương án chống hạn, đảm bảo tiến độ sản xuất hè thu trong thời gian khắc phục sự cố.

Dự án xây dựng đập dâng mới do JICA tài trợ vốn.

Đập dâng Bara Đô Lương được xây dựng từ những năm 1930 để phục vụ tưới tiêu cho các vùng đồng bằng Nghệ An. Trải qua một thời gian dài nên thân đập bị xuống cấp, đến năm 2017 tỉnh Nghệ An có chủ trương đầu tư xây dựng đập dâng mới, thay thế đập dâng cũ với nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu vay của JICA Nhật Bản.

Chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, đơn vị thị công là Công ty TNHH Hòa Hiệp (trụ sở tại TP Vinh). Dự án này nhằm đảm bảo nguồn tưới ổn định cho hơn 28.800 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai.

TRẦN LỘC

Tin mới