Zhang Yan, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh (Vân Nam) bị tước bằng sau cuộc điều tra liên quan cho thấy, ít nhất 1/4 luận văn thạc sĩ của cô này lấy từ tài liệu nghiên cứu của 10 học giả khác, gồm cả người bạn thân họ Li.
"Chúng ta xử lý vụ việc theo đúng quy định", một nhân viên của trường cao đẳng này nói.
Người tố cáo Zhang đạo văn là Wang, một đồng nghiệp của vị nữ phó hiệu trường này.
(Ảnh minh họa: SCMP)
Wang nói với tờ The Paper rằng Li và Zhang làm việc trong cùng một bộ phận và cùng lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Giao thông Tây Nam (SWJTU). Wang khẳng định Zhang không phải là trường hợp đạo văn duy nhất và việc làm "đầy rẫy" này được nhà trường nhắm mắt làm ngơ khiến anh buộc phải lên tiếng.
"Tại sao chúng ta không thể giải quyết vấn đề này thông qua những kênh thông thường. Các khoa của trường đã trốn tránh trách nhiệm của họ", Wang cho hay.
Đạo văn là vấn đề gây nhức nhối trong nền giáo dục Trung Quốc nhiều năm qua. Gần như tất cả các trường đại học và cơ sở giáo dục đại học đều đặt ra các giới hạn tỷ lệ phần trăm đạo văn cụ thể và cam kết sẽ trừng phạt nghiệm khắc với hành vi trộm cắp học thuật.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng yêu cầu các sở giáo dục cấp tỉnh kiểm tra lại ít nhất 2% luận án của một trường đại học mỗi năm. Những người có bài luận bị phát hiện có bất thường có thể bị thu hồi bằng cấp.
Bất chấp các biện pháp cứng rắn này, các vụ đạo văn vẫn liên tục bị phanh phui.
Một trong vụ đạo văn gây xôn xao nhất tại Trung Quốc liên quan đến nam diễn viên Zhai Tianlin. Zhai nhận bằng tiến sĩ của trường Nghệ thuật Biểu diễn, thuộc Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, nhưng bị thu hồi năm 2019 sau khi hơn 40% bài luận xuất bản năm 2018 của anh này bị phát hiện sao chép từ người khác.
Nam diễn viên sau đó cũng bị Đại học Bắc Kinh rút khỏi chương trình nghiên cứu kéo dài hai năm.