Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đăng ký xét tuyển năm 2021 có điểm mới gì?

(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu những cải tiến trong đăng ký xét tuyển năm 2021, thuận lợi cho các trường và thí sinh.

Trong tuyển sinh năm 2021, Bộ GD&ĐT thống nhất với các trường sẽ giữ ổn định phương thức xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ tuyển sinh 2021 sẽ có những cải tiến về phương thức kỹ thuật, công nghệ thông tin, đăng ký xét tuyển vào các trường, lọc ảo... tạo điều kiện thuận tiện hơn cho thí sinh và nhẹ nhàng hơn cho các trường. Từ đó, giúp các trường tăng cường vai trò tự chủ quyết định nguồn tuyển thí sinh đầu vào.

Với những trường yêu cầu năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường phối hợp thành nhóm để tổ chức bài thi đánh giá năng lực riêng và kết quả có thể sử dụng chung cho nhiều trường.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: D.T)

Thêm một điểm mới trong tuyển sinh năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ đưa thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường đại học đưa thông tin tuyển sinh chính xác, trung thực lên trang này để thí sinh và người dân dễ dàng tiếp cận hơn.

Thứ trưởng cho biết, trong tầm nhìn dài hạn hơn, Bộ sẽ cố gắng xây dựng trung tâm khảo thí độc lập. Các trung tâm này có nhiệm vụ làm dịch vụ cung cấp kết quả thi cho các trường đại học xét tuyển bằng các đề thi chuẩn hóa. Các bài thi này có thể được tổ chức nhiều lần trong năm, kết quả đó các trường có thể dùng chung với những yêu cầu khác nhau.

Về lộ trình thành lập các trung tâm khảo thí, ông cho rằng, điều này nằm trong chủ trương, làm sao để giảm thiểu việc thí sinh phải di chuyển đi thi nhiều lần gây tốn kém kinh tế.

Bộ GD&ĐT giao cho Cục Quản lý chất lượng xây dựng văn bản, quy chế, điều kiện, yêu cầu về đề thi, về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để làm sao khi thành lập trung tâm khảo thi độc lập thì bài thi được chuẩn hóa, đảm bảo tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả này tuyển sinh đầu vào. Bài thi không đảm bảo độ tin cậy, không đảm bảo yêu cầu của các trường đại học thì đương nhiên, các trường không sử dụng.

Thứ trưởng cũng giải thích thêm, thi trên máy tính và thi tại trung tâm khảo thí độc lập là hai việc khác nhau. Đối với thi trên máy tính là áp dụng thi tốt nghiệp THPT. Kế hoạch là tổ chức ở những nơi có điều kiện, còn nơi nào chưa có điều kiện thì vẫn thi tốt nghiệp THPT bình thường. Thi trên máy tính gọn nhẹ hơn nhiều so với thi trên giấy, giảm sự can thiệp của con người và có luôn kết quả cho thí sinh. Đây là mong muốn chúng ta cần hướng tới trong thi tốt nghiệp THPT thời gian tới.

Còn các trung tâm khảo thí độc lập, kết quả thi là để phục vụ xét tuyển sinh đại học, không phải để thi tốt nghiệp THPT. Với các trung tâm khảo thí độc lập, Bộ GD&ĐT khuyến khích và thậm chí yêu cầu phải tổ chức thi trên máy tính vì có nhiều lợi ích như tôi nói ở trên. Ngoài ra, thí sinh còn có thể thi tại ngay địa phương mình.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: VnExpress)

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, chúng ta đều mong muốn kỳ thi ngày càng được tăng cường tính nghiêm túc, khách quan. Minh chứng là 5 năm qua, chúng ta đã đưa kỳ thi này lên độ tin cậy ngày càng cao, tính khách quan được ghi nhận. Kỳ thi này không chỉ Bộ GD&ĐT mà các địa phương cần đề cao vai trò trách nhiệm của địa phương.

Năm 2020 vừa qua, các địa phương cũng phát huy vai trò, các trương cũng rất sẵn sàng tham gia, kiến nghị để được tham gia cùng Bộ GD&ĐT về công tác thanh kiểm tra, giám sát để tăng cường độ tin cậy, tính khách quan của kỳ thi. Trên cơ sở đó, trường sử dụng kết quả để xét tuyển.

Trước đề xuất của một số trường đại học không nhất thiết phải có đợt thay đổi nguyện vọng nữa cho thí sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc thí sinh đăng ký nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả của kỳ thi THPT là một thành công trong thời gian qua. Việc này diễn ra không gây tốn kém, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh, vì không dùng trên giấy mà sử dụng online. Bởi nó mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các thí sinh.

Trong khoảng thời gian từ khi đăng ký nguyện vọng ban đầu đến khi biết kết quả thi THPT có 2 yếu tố tác động đến thí sinh là kết quả thi và thông tin, định hướng ngành nghề. Đó là quyền lợi của các em được điều chỉnh chọn ngành học phù hợp với bản thân.

Những lợi ích này không chỉ mang lại cho thí sinh mà còn mang lại lợi ích cho các trường. Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển thì các trường có nhiều cơ hội để lựa chọn tuyển sinh. Thống kê cho thấy số thí sinh nhập học tăng lên hằng năm. Đây là mong muốn của chung các trường và xã hội.

Hà Cường

Tin mới