Bản thân thích kinh doanh nên ngay từ lớp 10 Ngọc Duyên, lớp 12, trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) chú trọng học khối A để thi vào trường kinh tế. Nhưng thấy các bạn đều chọn ngành hot Y dược, Sinh học, Ngân hàng nên Duyên thấy băn khoăn không biết nên theo hướng nào.
Duyên định hướng sẽ học kinh tế từ đầu cấp rồi nhưng hiện bạn bè em chọn ngành hot như Y dược, Sinh học, Ngân hàng nên cũng thấy băn khoăn.
Đây cũng là phân vân của rất nhiều học sinh mỗi mùa tuyển sinh.
Nhiều học sinh băn khoăn khi chọn ngành học. (Ảnh minh họa)
Cân bằng giữa yêu thích và khả năng
Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, Chuyên gia giáo dục, giảng viên trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers Việt Nam cho rằng, học sinh chọn ngành học phải bắt đầu từ yêu thích, nhưng nên cân bằng giữa yêu thích và khả năng của mình với ngành đó.
Thực tế, rất nhiều học sinh thường lựa chọn ngành nghề yêu thích nhưng lại không dựa trên khả năng, nhìn nhận vấn đề chỉ ở bề ngoài mà không dựa vào năng lực thật sự của mình. Các em học hết cấp ba, tâm lý của tuổi mới lớn muốn được mọi người chú ý, khẳng định mình, nên mang chủ ý này vào việc chọn ngành học.
Bà Thụy Anh dẫn chứng, nhiều em thấy làm diễn viên, ca sĩ được nhiều người hâm mộ nên muốn học, trong khi khả năng hát lại thường thường thôi. Ở tuổi 17,18 chọn ngành nghề khao khát được khẳng định mình thường chọn không chính xác và không phù hợp, không mang tính bền vững. Muốn chọn nghề đúng phải xác định được năng lực của mình là gì, mong muốn thật sự và say mê của bản thân thế nào.
Cô Nguyễn Hồ Thụy Anh tại một hội thảo. (Ảnh: apaxleaders.edu.vn)
Trong chọn ngành học, tự học sinh phải hiểu bản thân có gì và muốn gì để chọn ngành cho đúng. Phụ huynh, nhà trường phải giúp các em hiểu rõ năng lực và đam mê thật sự của mình để chọn nghành học phù hợp. Nếu bỏ qua đặc điểm tâm lý lứa tuổi, không giúp các em nhìn nhận đúng năng lực sẽ hạn chế sự chính xác, chệch hướng trong chọn ngành, nghề.
Nhiều học sinh chọn ngành hot vì thấy ai cũng chọn. Nhưng nếu không có đam mê và không phải điều bản thân thích thì thường người đó không tâm sức và hiệu quả đạt được không cao. Dù vậy, đam mê lại dựa trên năng lực.
“Cách đây 4 năm hết lớp 12, đi du học, con tôi chọn ngành Vi sinh với thống kê 35% ra trường thất nghiệp, không hề hot. Nhưng tôi nói với con nếu thật sự thích, thật sự đam mê thì cứ theo. Khi làm vì đam mê, tập trung sức lực, sẽ thực sự giỏi lĩnh vực đó. Con học Sinh học tốt, tính hướng nội thích hợp nghiên cứu và làm việc trong phòng thí nghiệm. Tôi thấy năng lực và đam mê của con phù hợp với ngành nên cho đi du học.
Sau 4 năm thì dịch bùng nổ, ngành Vi sinh lại hot, con thành công. Yếu tố 'hot' không phải là yếu tố nên dựa vào bởi nó không bền vững. Có thể thời điểm này hot nhưng sau 4 năm ra trường lại “nguội” đi, hoặc trước không nhiều người học nhưng sau lại hot”, bà Thụy Anh nói.
Định hướng "kiềng 3 chân"
Theo TS Tâm lý học Bùi Hồng Quân, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, chọn ngành học là một trong những quyết định quan trọng của học sinh. Các em phải dựa trên thực tiễn, nếu chọn nghề theo cảm hứng hoặc chạy theo xu hướng, chắc chắn sẽ không chính xác và bền vững.
Chọn ngành nghề luôn có mô hình tam giác hướng nghiệp dựa trên 3 trụ cột. Thứ nhất là ngành nghề học sinh thích; thứ hai lĩnh vực đó học sinh phải giỏi, có khả năng và năng lực; thứ ba, khi ra trường tìm được việc làm, tồn tại và phát triển cùng với nghề.
“Nó giống như kiềng 3 chân, thiếu một trong ba sẽ không đảm bảo hết tương lai cho học sinh”, TS Quân nói.
TS Tâm lý học Bùi Hồng Quân.
Ngành hot nghĩa là đang có nhiều người giỏi hoặc mọi người nghĩ ngành nghề đó kiếm được tiền và nhiều người chọn học, nhưng học sinh cần hiểu rằng không có nghề nào hot một cách đúng nghĩa theo nhu cầu của thị trường lao động. Bởi vì việc chọn ngành học của học sinh phải tính đến yếu tố sau 4 - 5 năm nữa ra trường.
Chọn nghề mình thích cũng không đủ và chọn ngành hot cũng không bền vững, cần xét yếu tố khả năng, nền tảng bài bản, phải đủ “kiềng 3 chân” thì việc chọn ngành nghề mới tạo ra giá trị và phù hợp với học sinh ở hiện tại và sau này.