HLV Alexandre Polking không dám nhìn vào trong sân khi CLB TP.HCM được hưởng quả phạt đền ở phút bù giờ thứ 7. Ông ôm đầu, quay mặt lên khán đài. Có 6 năm chinh chiến cùng Bangkok United tại Thái Lan, nhưng ở thời khắc cân não và căng thẳng, HLV Polking vẫn lo sợ.
Nỗi lo của Polking cũng như CĐV TP.HCM càng tô điểm cho bản lĩnh của Lee Nguyễn. Anh cầm bóng, đặt lên chấm phạt đền, nhẹ nhàng đánh lừa thủ môn để mang về 3 điểm cho CLB TP.HCM. Khoảnh khắc ấy của Lee Nguyễn có thể cứu vãn mùa giải của đội chủ sân Thống Nhất.
Lee Nguyễn có trận đấu hay.
Bản lĩnh của Lee Nguyễn
Trước khi Lee Nguyễn thực hiện quả phạt đền ở phút 90+9', CLB TP.HCM đã có trận đấu rất khó khăn. Đội bóng của Polking có thời điểm cầm bóng 62% thời lượng, nhưng bất lực trước hàng thủ kỷ luật của Sài Gòn FC.
Những pha đan bóng của CLB TP.HCM chủ yếu diễn ra ở khu trung tuyến. Vào đến 1/3 sân đối thủ, đội TP.HCM phải tạt bổng, chuyền dài.
Sài Gòn FC đã có trận đấu chất lượng. Woo Sang Ho, Daisuke Matsui và Cao Văn Triền hợp thành bộ ba đánh chặn hiệu quả, bóp nghẹt tuyến giữa CLB TP.HCM. Đội bóng của HLV Masahiro Shimoda đá nhanh, rát và pressing vô cùng khoa học.
Video: CLB TP.HCM 1-0 Sài Gòn FC
Ở chiều ngược lại, CLB TP.HCM thiếu gắn kết. Bộ ba ngoại binh Brazil có trận đấu thất vọng khi không tìm được tiếng nói chung, còn hàng thủ để lộ sơ hở. Để thắng Sài Gòn FC trong bối cảnh ấy, CLB TP.HCM cần một ngôi sao vượt tầm phần còn lại. Đó là Lee Nguyễn.
So với trận thua Than Quảng Ninh, Lee Nguyễn được ưu ái dồn bóng nhiều hơn ở trận này. Mỗi khi Sầm Ngọc Đức hay Võ Huy Toàn có bóng, thay vì tạt bổng lên trên, các hậu vệ CLB TP.HCM tập trung chuyền cho Lee Nguyễn, để ngôi sao Việt kiều đạo diễn lối chơi.
HLV Polking xây dựng hệ thống bảo vệ cho Lee Nguyễn khi đặt anh vào vị trí trung tâm của các đường chuyền. Đáp lại, cầu thủ 34 tuổi tận dụng tốt để chơi thứ bóng đá đẹp mắt, ấn tượng.
Đường chuyền như đặt cho Joao Paulo ở khoảng cách hơn 30m trong hiệp 1 là những khoảnh khắc mà nếu không phải Lee Nguyễn, rất khó cầu thủ nào khác của CLB TP.HCM làm được.
Lee Nguyễn bị Matsui và Cao Văn Triền theo kèm sát, sẵn sàng phạm lỗi khi cần. Có thời điểm, Lee Nguyễn phải lùi về sân nhà lấy bóng, hay dạt biên để tìm khoảng trống giữa "lưới pressing" dày đặc của đối thủ, nhưng tiền vệ này vẫn có những pha xử lý khiến khán giả ồ lên, điển hình như pha đánh gót điệu nghệ để Lâm Ti Phông thoát xuống ở cánh.
Lee Nguyễn bị kèm sát. (Ảnh: Bảo Khanh)
Nhờ khả năng di chuyển và chuyền bóng miệt mài của Lee Nguyễn, hàng tiền vệ TP.HCM không đứt gãy trước Sài Gòn FC. Hành động lãnh trách nhiệm đá quả phạt đền ở thời điểm căng thẳng và cú sút nhẹ nhàng đánh lừa đối thủ của Lee Nguyễn phần nào lý giải tại sao CLB TP.HCM chi tới 500.000 USD cho một năm hợp đồng của anh.
10 năm sau ngày rời Việt Nam, Lee Nguyễn đã trưởng thành và đẳng cấp hơn nhiều.
Quả phạt đền thành công của Lee Nguyễn có thể là bước ngoặt thay đổi mùa giải của CLB TP.HCM. Nếu không thắng Sài Gòn FC, đội bóng của Polking sẽ đứng hạng 12 và tụt dốc tinh thần trước cuộc so tài với Hà Nội FC vào ngày 23/3 tới. Chiến thắng nghẹt thở trước Sài Gòn FC, vì vậy, là sự giải tỏa cần thiết cho CLB TP.HCM và chính Lee Nguyễn.
Đừng bắt Lee Nguyễn "gánh" đội
HLV Polking muốn xây dựng lối đá của CLB TP.HCM quanh Lee Nguyễn giống Bruno Fernandes ở Manchester United. Mẫu cầu thủ sáng tạo và thông minh như Lee Nguyễn được kỳ vọng là chuyện bình thường, nhưng khác với Bruno, Lee đang phải cáng đáng khối lượng công việc rất lớn.
Không chỉ cầm nhịp, chuyền bóng và thực hiện những đường chuyền quyết định, Lee Nguyễn còn phải rê dắt, tranh chấp, làm thay phần việc của nhiều cầu thủ. Có tình huống, Lee Nguyễn cầm bóng phản công và băng sang phần sân Sài Gòn FC, nhưng không ai có mặt để hỗ trợ anh.
Junior Barros mờ nhạt.
HLV Polking có thể tạo dựng hệ thống tấn công xung quanh chuyển động của Lee Nguyễn, tuy nhiên, các cầu thủ cần làm tốt nhiệm vụ, đứng đúng vị trí mở ra khoảng trống.
Lee Nguyễn không phải mẫu cầu thủ "làm tất ăn cả". Ở tuổi 34, cơ bắp của anh không còn đủ tốt để làm quá nhiều việc trên sân. CLB TP.HCM cần tạo không gian để ngôi sao tỏa sáng, thay vì "phó mặc" mọi việc cho ngôi sao ấy.
Việc Lee Nguyễn phải đá với cường độ cao, mật độ dày đặc (5 ngày/trận) và mặt sân không đẹp ở V-League tạo ra nguy cơ chấn thương lớn cho cựu cầu thủ HAGL. Lee Nguyễn cũng có tiền sử chấn thương khi còn chơi bóng tại Mỹ. Do đó, anh cần được ưu ái với những giải pháp phù hợp hơn.
Đây không phải vấn đề dễ giải quyết, bởi các tiền đạo của CLB TP.HCM chưa thể hiện được nhiều. Dario Junior, Joao Paulo và Junior Barros thiếu sự kết nối, không hiểu ý nhau và chơi rất cá nhân. Giữa một hệ thống tấn công lệch lạc, Lee Nguyễn hiển nhiên phải gồng hơn nhiều.
Trận gặp Hà Nội FC tới đây sẽ là màn kiểm tra với độ khó cao hơn cho Lee Nguyễn. Anh cần sự hỗ trợ tối đa của toàn đội để vượt qua thử thách này.