Sáng 20/6, thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết mục tiêu quan trọng ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; mọi người dân phải được hưởng niềm hạnh phúc ấy, được an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng. Lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh nếu cơ sở phường xã làm tốt thì huyện quận sẽ tốt, quận huyện tốt thì tỉnh tốt, mà tỉnh tốt thì cả quốc gia sẽ tốt.
Với lực lượng đảm bảo an ninh cơ sở, Bộ trưởng Công an cho biết không có trụ sở riêng và hoạt động chủ yếu ở trụ sở chính quyền, công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng này chủ yếu chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, công cụ phải được quản lý và Bộ phải chịu trách nhiệm trang bị cho lực lượng hoạt động.
"Bây giờ xảy ra chuyện gì không ổn định thì không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế hay bàn về dự án. Nhiều tỉnh đã nói với tôi về chuyện này, như Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra Formosa nói cả năm giải quyết khiếu kiện, vướng mắc còn thời gian đâu bàn về phát triển kinh tế xã hội. Ở Đắk Lắk, Tây Nguyên vừa qua một việc như thế thôi, không thể coi thường được", Bộ trưởng Công an nói.
Liên quan đến kinh phí, ngân sách cho lực lượng đảm bảo trật tự an ninh cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định không có gì trở ngại, khó khăn.
Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, sắp tới Bộ Công an sẽ tham gia cùng Trung ương tổng kết chiến lược về bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời bình. Đây là 1 trong 2 nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, phải ổn định để phát triển.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 20/6.
Khẳng định điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là quan tâm đến an ninh an toàn không chỉ là an ninh quốc gia mà là cá nhân từng con người, Đại tướng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ xây dựng từng cơ sở phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự, là nơi đảm bảo an ninh, an toàn nhất.
"Chúng tôi cũng sẽ xây dựng những xã không có tội phạm, không có ma túy. Đó là mục tiêu rất lớn. Tội phạm ngay ở xã thôi, có mầm mống tội phạm dân người ta biết hết. Nhưng rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết. Như vậy thì quá dở, mà càng dở hơn, kém hơn là biết mà không giải quyết", Bộ trưởng Công an nói.
Nhìn nhận lực lượng công an cơ sở phải giải quyết "trăm thứ việc", từ cứu nạn cứu hộ, giải quyết mâu thuẫn, quản lý người phạm tội trở về…, Bộ trưởng Công an cho rằng mỗi xã cần 5-6 công an xã. Ông nêu ví dụ ở Tây Nguyên, mỗi xã phải có 1 cán bộ về an ninh nắm, giải quyết tất cả vấn đề về an ninh. Mỗi xã nếu phức tạp về ma túy phải có cán bộ chuyên giải quyết về ma túy.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, tới đây, còn cần cán bộ điều tra viên sơ cấp ở xã bởi Luật cho phép giải quyết tin báo tố giác tội phạm của dân, mà muốn giải quyết được phải có cán bộ điều tra, nếu không sẽ vi phạm pháp luật.
"Rất nhiều thứ như vậy, một người phải làm rất nhiều việc nên lực lượng hỗ trợ ở cơ sở là rất quan trọng", Đại tướng Tô Lâm cho hay.
Nói về việc trước đây chế độ của công an xã do ngân sách của tỉnh chi nhưng nay trưởng công an xã đưa khỏi chức danh chính quyền nên Bộ Công an phải lo, Đại tướng Tô Lâm cho biết nhiều địa phương khẳng định sẽ đảm bảo được hết, thậm chí đầu tư cho công an chính quy chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở. Vì thế, kinh phí này không phải gánh nặng lớn cho các địa phương.