Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích tác động khôn lường giá dầu âm với nước Mỹ

(VTC News) -

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, nước Mỹ lúc này đang nan giải tìm cách ứng phó cùng lúc với đại dịch COVID-19 và giải cứu nền kinh tế.

Đó thực sự là một ngày thứ Hai đen tối. Giá dầu WTI trên sàn New York chao đảo và chỉ trong cùng ngày 20/4 đã xuống tới gần âm 40 USD/thùng. Có nghĩa là, người sở hữu dầu, để bán được, sẽ phải trả thêm tiền cho người mua để thoát khỏi sự sở hữu này. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử.

Vậy điều gì đã xảy ra?

Câu chuyện và hệ lụy của nó không chỉ dừng ở ngành công nghiệp dầu và giới chuyên môn. Các nhà chính trị, quản lý ở cấp quốc gia, nhất là Mỹ, cũng sẽ phải đau đầu tìm lời giải, khi mà kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái và cả đất nước bị đình trệ vì dịch bệnh.

Thứ Hai, 20/4, tại sàn NY, giá dầu thô WTI mở đầu bán các gói giao hàng cho tháng 5, từ mức giá 17,5 USD/thùng, đã liên tục chào đảo, đến chiều, thì tụt dốc xuống tới âm 37,63 USD/thùng. Tức là số tiền người bán phải trả thêm cho người mua trên mỗi thùng dầu của mình.

Đây là điều chưa từng có. Câu chuyện ở đây có cả cái căn bản lâu dài, cũng có cái kỹ thuật ngắn hạn.

Thường thì, khi giá dầu chao đảo, cái căn bản luôn xoay quanh sự bất cân đối giữa cung và cầu. Lần này, cũng như bao lần, giá dầu giảm là do cung vượt cầu quá nhiều. Nhưng cái khác lại là: tại sao lại tới mức giá âm và sự tụt dốc đột ngột, không theo một biểu đồ nào có thể hình dung trước.

Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu về âm.

Điều này nằm trước hết ở đặc thù của thị trường dầu hợp đồng tương lai. Thứ Hai là “đêm trước” của ngày đáo hạn. Các hợp đồng dầu WTI cho tháng 5, vào ngày 21/4 sẽ đến hạn phải giao dầu thật. Khi đó, người sở hữu hợp đồng sẽ buộc phải nhận dầu, để lưu kho hoặc sử dụng. Thế nhưng, các nhà buôn bán trên sàn, họ sở hữu các hợp đồng dầu chủ yếu đầu cơ, kiếm lời, không phải để có dầu. Do vậy, họ phải tìm cho được người mua để tránh thời điểm đáo hạn.

Nhưng người mua ít, do kinh tế đình trệ, còn người bán, các nhà đầu cơ, lại cùng lúc bán ra ồ ạt như vậy, đã kéo giá dầu tụt dốc mạnh. Cộng thêm, các kho chứa dầu tại Mỹ đã tới hạn, khó có thể nhận thêm, nên dù ai có thật sự cần dầu nhân khi giá rẻ, cũng không thể mua vì không còn chỗ để lưu trữ.

Điều này đã gây áp lực kép lên thị trường sàn dầu WTI, đẩy giá dầu về mức âm hôm 20/4, một ngày trước ngày đáo hạn.

Khả năng các hợp đồng dầu tương lai của WTI cho tháng 6 (sẽ đáo hạn vào ngày 19.5) và nhiều tháng sau đó, cũng sẽ khó có thể khả quan. Trước mắt, các nhà đầu tư và đầu cơ sẽ phải chuyển của tháng 5 sang mua các hợp đồng dầu tháng 6 và các tháng sau đó, nhưng khi đó, họ sẽ vừa phải trả giá dầu tháng 6 (như ở mức 20 USD /thùng) và bù thêm 40 USD của giá dầu âm tháng 5 (thành 60 USD/thùng), gây thiệt hại rất lớn.

Điều này, nếu kéo dài, sẽ có thể dẫn tới hàng loạt các nhà đầu tư nhỏ hơn bị phá sản và chỉ các công ty có tiềm lực lớn mới có khả năng chống chọi và vượt qua được.

Ngành công nghiệp dầu khí rất quan trọng với nước Mỹ, không chỉ về kinh tế, mà cả về chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược đối ngoại. Với Tổng thống Trump, đây cũng là lĩnh vực mà ông rất quan tâm, hỗ trợ, bao gồm cả việc can thiệp để có thể đạt được thỏa thuận lịch sử của OPEC+ ngày 13/4. Mặt khác, dầu khí cũng là ngành công nghiệp chỗ dựa của đảng Cộng hoà.

Ngay trong ngày 20/4, Tổng thống Trump đã lập tức có ý kiến trấn an: “Chúng ta sẽ không bao giờ để ngành Công nghiệp Dầu khí vĩ đại của nước Mỹ bị sụp đổ”.

Tổng thống Trump theo đó đã chỉ thị các Bộ trưởng Năng lượng và Tài chính lên kế hoạch cứu trợ tài chính, cả về sản xuất và việc làm trong ngành này. Bộ Năng lượng cũng đã đề nghị Quốc hội cấp thêm ngân sách để mua 75 triệu thùng dầu cho dự trữ quốc gia, nhưng khả năng sẽ bị phe Dân chủ bác.

Chính quyền Mỹ có thể có một số công cụ để ứng phó, như: trợ giúp tài chính cho các công ty bị khó khăn, trả tiền trước cho các nhà sản xuất để họ vẫn để dầu dưới đất (chưa cần phải khai thác ngay), tìm thêm kho lưu trữ dầu, kể cả kho Dự trữ chiến lược quốc gia, hay thương lượng tiếp với OPEC để cắt giảm thêm nguồn cung, hay tăng thuế để hạn chế dầu nhập khẩu.

Thế nhưng vào thời điểm hiện tại, dường như các biện pháp nêu trên đều có những cái nan giải, rất khó, hoặc khó có nhiều tác dụng. 

Việc giúp mua dầu để đưa vào kho Dự trữ chiến lược quốc gia (hiện vẫn còn sức chứa cho 75 triệu thùng) và can thiệp hỗ trợ tìm thêm các kho chứa khác (có thể đến 30 triệu thùng), cũng có vấn đề. Kể cả bảo đảm được thì số sức chứa thêm nay cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường khi nguồn cung dư thừa và lớn hơn nhiều.

Mặt khác, để có ngân sách, chính quyền phải trình xin Quốc hội, nhưng Đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện đã bác bỏ việc bảo lãnh này, khi mà nước Mỹ đang cần phải ưu tiên giải cứu những lĩnh vực thiết yếu, cấp bách hơn do đại dịch gây ra (tháng trước, phe Dân chủ cũng đã bác mục hỗ trợ 3 tỷ USD hỗ trợ ngành dầu khí trong gói giải cứu do đại dịch gây ra).

Giá dầu sụt giảm khiến hàng nghìn công ty trong ngành công nghiệp dầu khí Mỹ đối diện nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, nếu tìm cách hỗ trợ tài chính, tuy có thể hỗ trợ các công ty được một phần, nhưng lại thành giúp tăng thêm nguồn cung, vốn đã rất dư thừa. Yêu cầu OPEC cắt giảm thêm nữa cũng sẽ khó, khi mà thỏa thuận vừa ký được, đã phải trải qua thương lượng rất khó khăn, hiện vẫn còn chưa kịp có hiệu lực.

Còn việc can thiệp thị trường, như thuế nhập khẩu hay giúp tài chính, cũng sẽ động chạm và tạo tiền lệ cho các nước xuất khẩu dầu khác.

Ngay cả các hiệp hội lớn của ngành dầu khí Mỹ cũng không đồng ý, mà muốn để thị trường quyết định, từ đó buộc thế giới phải giảm nguồn cung, để giá dầu có thể nhích lên trở lại.

Thực tế, ngành dầu đá phiến của Mỹ phải cần giá dầu ở mức 50 USD/thùng mới sản xuất có lãi (40 USD/thùng mới hoà vốn). Bản thân Nhà Trắng cũng không muốn làm gì phương hại tới thỏa thuận OPEC+ lúc này.

Việc giá dầu lần đầu tiên tụt dốc xuống giá âm lần này không chỉ đơn thuần phản ánh cái logic của thị trường dầu kỳ hạn tương lai.

Nó vừa có tính đặc thù nhất thời, lại vừa có cả tính căn bản lâu dài: Thời điểm đáo hạn mang tính kỹ thuật tài chính trên sàn dầu WTI lại trùng với những điều bất lợi và chưa từng có của qui luật cung cầu.

Đó là, cả nước Mỹ đột ngột bị phong tỏa vì dịch bệnh từ nửa cuối tháng 3, khiến phía cầu bị biến mất hoàn toàn (chứ không phải chỉ sụt giảm), trong khi phía cung lớn do sản xuất và nguồn dầu lớn được trữ trước đó, khiến các kho chứa cùng lúc tới hạn không còn sức chứa thêm. Chưa kể khi thế giới cũng đang bị đình trệ, phong tỏa để phòng chống dịch.

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn gắn kết chặt chẽ, đã bị đảo lộn và tê liệt do đại dịch, sẽ không dễ được sớm phục hồi trở lại.

Quay trở lại qui luật cung cầu của thị trường thế giới, cả hai mặt này đều đang phải chịu những áp lực rất lớn, nhất là về mặt cầu.

Tính từ đầu năm, giá dầu thô thế giới vốn từ mức trên $60/thùng, đã liên tục giảm xuống xung quanh 20 USD, thậm chí có khi chỉ còn 10 USD/thùng, có phần do kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, nhưng cái đặc biệt tác động chính là cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga, khi các bên ép nhau bằng tung ồ ạt nguồn cung, buộc giá dầu tụt dốc.

Hệ lụy là, đến khi OPEC có được thỏa thuận để kiểm soát sản xuất, thì thế giới khi đó đã có một lượng dầu dư thừa và dự trữ rất lớn.

Cái bất thường ở đây là đại dịch COVID-19. Khởi đầu bằng việc đóng cửa Vũ Hán-Hồ Bắc, Trung Quốc, sau là châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Ấn độ, Úc, Đông Nam Á…), lan qua hầu hết Châu Âu và cả nước Mỹ cũng bị đóng cửa. Điều chưa từng có là cả thế giới, bao gồm các nền kinh tế lớn, dường như cùng một lúc và đột ngột bị đóng cửa.

Thị trường bị đảo lộn, không chỉ không phản ứng kịp, mà nhu cầu về dầu của thị trường trên thực tế đã bị biến mất một cách đột ngột. Do đóng cửa, phong tỏa, đối tượng khách hàng tiêu thụ dầu thô lớn nhất, kể cả ngành lọc hóa dầu và hàng không, cũng bị dừng lại.

Do vậy, trong khi ứng phó trước mắt hướng về xử lý nguồn cung, thì cái căn cơ, lâu dài lần này lại là về nhu cầu, liên quan tới việc thoát ra khỏi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - là điều không dễ và là thách thức lớn nhất lúc này.

Câu chuyện lớn nhất, như trên đã nêu, là làm sao thoát ra khỏi đại dịch, mở cửa lại và phục hồi kinh tế, khi đó nhu cầu về dầu mới bắt đầu được cải thiện.

Các dự báo cho thấy kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái lớn, giảm tới 3% tăng trưởng, trầm trọng nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930, ngay Châu Á có dự báo khả quan nhất cũng chỉ ở mức tăng trưởng 0%. Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn gắn kết chặt chẽ, đã bị đảo lộn và tê liệt do đại dịch, sẽ không dễ được sớm phục hồi trở lại.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ giảm 6,1%, xuống mức tăng chỉ còn 1,2% trong 2020, thấp nhất trong hơn bốn chục năm cải cách vừa qua. Hiện Trung Quốc đã có thể bước sang thời hậu dịch, nhưng việc phục hồi cũng không phải dễ dàng, một khi các nền kinh tế lớn là Châu Âu và Mỹ chưa ra khỏi dịch.

Tổng thống Trump sẽ phải cân nhắc rất nhiều phương án để cứu ngành công nghiệp dầu khí Mỹ.

Còn với nước Mỹ, chỉ trong một tháng, kể từ khi cả nước phong tỏa, đã có tới 25 triệu người phải xin trợ cấp mất việc. Mỹ đã phải đưa ra các gói giải cứu có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD, lớn nhất trong lịch sử, cũng mới chỉ để ứng phó ngay với các tác động của đại dịch và việc phong tỏa đất nước.

Nước Mỹ đã phải đưa ra kế hoạch mở lại nước Mỹ theo ba giai đoạn, kể từ đầu tháng 5, nhưng sẽ còn phải phụ thuộc vào tình hình phòng chống dịch của mỗi bang. Các dự báo cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể giảm tới 5,9%, tuy có thể có phục hồi khá hơn kể từ cuối Quý 2, nhưng sẽ tăng trưởng âm đến hết năm, tới 2021 mới có tăng trưởng dương.

Việc nước Mỹ có thể mở cửa trở lại từ tháng sau, dù chỉ bắt đầu ở một số bang, cũng sẽ là tín hiệu tốt, trong đó có với thị trường dầu. Các tháng trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, bất ổn, nhưng kể từ Quý 3, cả về kinh tế và thị trường dầu có thể khả quan hơn, khi nước Mỹ có thể vận hành trở lại.

Về thị trường dầu WTI trên sàn của Mỹ, người ta quan tâm trước hết các hợp đồng kỳ hạn cho tháng 6, dự báo là sẽ tiếp tục bất ổn và khó lường, do các điều kiện về cả kinh tế và thị trường vẫn chưa được cải thiện. Sau vụ giá dầu giảm sâu dưới 0 USD/thùng hôm thứ Hai đen tối, giá dầu cho tháng 6 đã bị giảm ngay 30%, từ trên 20 USD xuống còn 13,91 USD/thùng.

Nước Mỹ sẽ mở cửa trở lại theo từng giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Cùng với tín hiệu bắt đầu mở cửa lại nước Mỹ, trước mắt cũng có một số yếu tố có thể giúp hạn chế bớt tác động tiêu cực tới biến động giá dầu sắp tới: Thoả thuận OPEC+ có hiệu lực, sẽ có hiệu ứng tâm lý tốt, các nhà sản xuất dầu của Mỹ sẽ buộc phải giảm hoặc đóng cửa sản xuất, thậm chí phá sản, còn các nhà đầu tư dầu trên sàn cũng sẽ cảnh giác hơn trong ứng phó trước khi đến đáo hạn.

Đồng thời, có thể có thêm các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Mỹ, kể cả về tìm thêm kho chứa, hỗ trợ một phần tài chính, hay thương lượng thêm với các nước xuất khẩu dầu để cùng phối hợp. Ngoài ra, chưa kể đến những bất ổn chính trị, an ninh như tại Trung Đông, cũng có thể có tác động đến thị trường dầu.

Khi Tổng thống Trump chỉ thị Hải quân Mỹ có thể bắn các tàu Iran, thì giá dầu, kể cả dầu WTI đã có ngay phản ứng tăng giá.

Video: Giá dầu lao dốc là cú sốc của nền kinh tế thế giới?

Lần khủng hoảng giá dầu về âm lần này, còn có điểm khác các lần trước, đó là không có ai chủ ý phát động và cũng không có ai giành được phần thắng lần này. Trên thực tế, các bên đều bị thiệt hại, từ nhà sản xuất, nhà đầu tư, đến người mua, công nhân và cả người tiêu dùng đều không có lợi.

Dù xảy ra đối với dầu WTI của Mỹ, nhưng nó cũng gây bất lợi đối với các nước sản xuất, xuất khẩu dầu khác trên thế giới, khi mà giá xuống quá thấp làm mất cân đối tài chính và tạo sức ép lên việc thực hiện thỏa thuận OPEC+ về phải cắt giảm hơn nữa. Do vậy, các nước này cũng phải tính thêm các biện pháp sở cấp quốc gia hoặc phối hợp với Mỹ để ứng phó.

Mặt khác, giá dầu thô Brent, một tham chiếu quan trọng nhất của thị trường dầu thế giới, với tác động của thoả thuận OPEC+, hiện cũng đang trở lại ở mức khả quan hơn, với giá 20,28 USD/thùng giao vào tháng 6.

Do khó khăn của kinh tế thế giới và Mỹ, tình hình đại dịch COVID-19 và dư thừa dầu lớn, nhìn chung giá dầu WTI tại sàn kỳ hạn tương lai sẽ tiếp tục bất ổn và khó lường, nhưng việc tụt dốc xuống âm lớn như vừa rồi là điều hãn hữu, tuy chưa thể loại trừ, như với các hợp đồng kỳ hạn cho tháng 6 tới (sẽ đáo hạn và phải nhận dầu thật vào 19/5).

Chỉ khi nước Mỹ và kinh tế mở cửa trở lại, biến động giá cả trên sàn của dầu WTI mới dần trở về gần hơn với các quy luật của thị trường.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

* Tháng 9/1980: Bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao

* 2 nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York); 1 nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan

* 1995: Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao

* 1/2007 - 9/2008, Phó Vụ trưởng, sau đó là Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.

* 9/2008 - 9/2011, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.

* 9/2011 - 7/2014: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách quan hệ của Việt Nam với các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.

*11/2014 - 6/2018: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ

Phạm Quang Vinh

Tin mới