Ngày 22/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern với mục tiêu nâng quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Theo đó hai nước sẽ thảo luận việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược.
Chia sẻ với VTC News, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Irene Matthews cho biết, hơn 4 thập kỷ qua, mối quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như chính trị, giáo dục, thương mại, nông nghiệp và quốc phòng. Đại sứ Wendy Irene Matthews dành lời ca ngợi Việt Nam trong vai trò là người giữ hòa bình cho khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ New Zealand Wendy Irene Matthews. (Ảnh: VGP)
- Việt Nam - New Zealand hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ cho biết đánh giá về những thành tựu quan trọng nhất trong quan hệ song phương trong thời gian qua?
Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam. Hơn 4 thập kỷ qua, mối quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như chính trị, giáo dục, thương mại, nông nghiệp và quốc phòng.
Thương mại song phương tăng trưởng gấp 3 lần kể từ năm 2010 và gần gấp đôi trong 5 năm qua, khi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) được ký kết. Liên kết giữa người dân hai nước đang phát triển mạnh, với sự gia tăng du lịch theo cả hai hướng, và New Zealand tiếp nhận số lượng sinh viên Việt Nam ngày càng tăng.
Theo đó, du lịch đang thực sự nở rộ ở cả hai hướng, khi có khoảng 40.000 người New Zealand mỗi năm đến Việt Nam để thưởng thức cảnh đẹp và ẩm thực. Chúng tôi cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng lớn về số lượng khách du lịch Việt Nam đến khám phá New Zealand.
Về giáo dục, năm 2018, hơn 2.700 sinh viên Việt Nam đã chọn du học tại New Zealand.
Trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có các cuộc hội đàm quan trọng và tăng cường trao đổi thường xuyên từ cả hai nước. Thủ tướng và các Bộ trưởng của chúng tôi gặp gỡ thường xuyên và trao đổi quan điểm với người đồng cấp của Việt Nam về các lĩnh vực quan tâm của cả hai nước.
Chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm New Zealand năm 2018 và trước đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đến thăm Việt Nam nhân dịp APEC 2017.
- Năm 2009, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Sau hơn 10 năm, quan hệ song phương đã có những bước đột phá, trong đó có giáo dục và thương mại. Đại sứ nhận định ra sao về tiềm năng của hợp tác giáo dục và thương mại song phương?
Tôi cảm thấy hài lòng khi thấy rằng tăng trưởng kinh tế thương mại của hai nước khá cân bằng. Chúng tôi nhập khẩu nhiều từ Việt Nam, đồng thời xuất khẩu tương đương. Cả hai bên đang phát triển với cùng nhịp độ.
Chúng ta đang làm việc rất tốt với nhau trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trước đó trong AANZFTA. Và chúng ta đang có khung giao dịch rất tốt đẹp.
Giáo dục là một trong những trụ cột hàng đầu cho mối quan hệ song phương New Zealand - Việt Nam. Hơn 2.700 sinh viên Việt Nam đã chọn du học tại New Zealand. Con số này bao gồm 600 học sinh trung học, tăng 40 % so với năm trước. Ngoài ra cũng có sự tăng trưởng 8% trong số các sinh viên học tập tại các trường đại học New Zealand trong cùng thời gian.
Thông qua Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand (New Zealand Aid Programme), chúng tôi cung cấp các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Theo đó, kể từ những năm 1990, hơn 330 sinh viên Việt Nam và 560 cán bộ đã nhận được các học bổng để theo đuổi bằng cấp sau đại học, hoặc học tiếng Anh ở New Zealand.
New Zealand (1).jpg
Chúng tôi ca ngợi Việt Nam là nước giữ gìn hòa bình cho khu vực, vì tích cực trong cả hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Irene Matthews
Kể từ năm 2018, New Zealand cung cấp Học bổng Trường học New Zealand (New Zealand Schools Scholarship) cho Việt Nam. Đây là các trường đầu tiên dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông từ Việt Nam theo đuổi hành trình giáo dục tại New Zealand.
Trong 5 năm qua, dựa trên Kế hoạch tham gia chiến lược về khung giáo dục, nhiều chương trình chung trong lĩnh vực đại học, giáo dục mầm non và cải thiện hệ thống giáo dục đã được thúc đẩy và hỗ trợ giữa các cơ quan chính phủ và giáo dục của New Zealand và Việt Nam.
Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều sự hợp tác giữa Tổ chức giáo dục của hai quốc gia, nơi mà sinh viên Việt Nam có thể vừa học tập tại Việt Nam, vừa ở New Zealand.
New Zealand sẽ tiếp tục các cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu giáo dục trong thế kỷ 21, nhằm tạo ra những sinh viên tốt nghiệp được đào tạo tốt, có sẵn các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong thị trường toàn cầu đang ngày càng thay đổi.
- Hợp tác nông nghiệp cũng đang là một dấu ấn trong quan hệ Việt Nam - New Zealand hiện nay. New Zealand sẽ hỗ trợ Việt Nam được những gì trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp chất lượng cao, điều mà Việt Nam đang còn thiếu, thưa Đại sứ?
Cả New Zealand và Việt Nam đều là những quốc gia nông nghiệp đáng tự hào. Cả hai nước đang xuất khẩu nông sản cho nhau. Trong khi Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều và trái cây nhiệt đới, thế mạnh của New Zealand bao gồm các sản phẩm sữa, thịt, táo và kiwi. Do đó, kinh tế và thương mại của 2 nước là tương hỗ và không cạnh tranh.
Từ góc nhìn của tôi, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước với những cơ hội thú vị. Ngành này đang chuyển sang hướng thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp và thị trường xuất khẩu giá trị cao.
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao sẽ là trọng tâm của Việt Nam, mà New Zealand có thể hỗ trợ nhiều vấn đề thiết thực nhất. Là nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, New Zealand tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao cấp thay vì số lượng lớn.
Chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được sự xuất sắc trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị, từ nghiên cứu giống, áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp, đăng ký bản quyền, để bảo vệ giống cây trồng và tiếp thị, và đảm bảo rằng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam an toàn, hiệu quả và hương vị thơm ngon.
- Những khó khăn và thách thức trong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư giữa hai nước ra sao, thưa Đại sứ? Và chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó?
COVID-19 đã đặt ra một số thách thức lớn đối với thế giới. Tuy nhiên, chúng ta thực sự hài lòng khi thấy rằng mối quan hệ thương mại lớn song phương giữa New Zealand và Việt Nam cho đến nay vẫn khá ổn định so với trước đại dịch.
Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại dịch vụ đang có chiều hướng giảm. Có rất nhiều khách du lịch New Zealand yêu thích và muốn sang thăm Việt Nam. Ngược lại, hàng năm, chúng tôi chào đón một lượng lớn sinh viên Việt Nam sang New Zealand. Do đó, lĩnh vực dịch vụ đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19. Song tôi rất hài lòng khi thương mại tốt giữa hai nước vẫn giữ mức ổn định.
Và đó cũng là lý do tại sao chúng ra cần tăng cường thương mại thực phẩm và nông nghiệp, để đảm bảo các liên kết kinh tế và thương mại giữa New Zealand và Việt Nam tiếp tục phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Thủ tướng New Zealand một bức tranh chân dung sơn dầu.
Vào ngày 21/7, cả hai nước đã tăng cường thuận lợi hóa thương mại bằng cách ký thỏa thuận hợp tác để thiết lập chứng nhận điện tử đầu tiên cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm giữa hai nước, thông qua Hệ thống Cổng một cửa quốc gia ở Việt Nam.
Thảo thuận này sẽ giúp giao dịch nhanh hơn, an toàn hơn và rẻ hơn giữa hai nước chúng ta.
Chúng tôi cũng rất vinh dự được làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại giữa hai nước, và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về Cách mạng Công nghiệp 4.0.
- Hiện Việt Nam - New Zealand chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, trong đó có vấn đề tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Quan điểm của Đại sứ về những diễn biến ở Biển Đông thời gian gần đây?
Tôi cho rằng, có rất nhiều lợi ích chiến lược giữa New Zealand và Việt Nam. Cả hai nước đều có cách tiếp cận tương tự nhau, ví dụ, chúng ta đều là những người ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực. Chúng ta là thành viên của AANZFTA và CPTPP, và cả hai quốc gia là những nước ủng hộ mạnh mẽ của chủ nghĩa đa phương.
Cả hai nước đều hoạt động tích cực trong các tổ chức quốc tế như APEC, WTO và Liên Hợp Quốc, mà năm nay Việt Nam là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Chúng tôi ca ngợi Việt Nam trong vai trò là nước giữ hòa bình cho khu vực, vì đã rất tích cực trong cả hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ luật pháp quốc tế. Đối với New Zealand, luật pháp quốc tế là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Là một quốc gia nhỏ, chúng tôi tìm kiếm các tổ chức đa phương giúp New Zealand khuếch đại tiếng nói của mình.
- Xin cảm ơn Đại sứ!