Gần 2 tuần trôi qua kể từ khi New Zealand thực hiện lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới. Thậm chí bơi ngoài bãi biển hay đi săn trong rừng cũng bị cấm.
Đó đều là những hoạt động không cần thiết và người dân New Zealand được khuyến cáo không nên làm bất cứ điều gì có thể gây hao tổn nguồn lực khẩn cấp quốc gia.
New Zealand thực hiện lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn virus corona. (Ảnh: Reuters)
Mọi người vẫn đi bộ và đi xe đạp trong khu phố của mình nhưng đều đứng cách nhau 2 mét khi xếp hàng trước các cửa hàng bách hóa. New Zealand cũng áp dụng mô hình học tập tại nhà cho học sinh.
Chỉ mất 10 ngày khi thực hiện các biện pháp này, New Zealand đã tiến đến mục tiêu "xóa bỏ" dịch bệnh thay vì "ngăn chặn" dịch bệnh như Mỹ và các nước phương Tây đang thực hiện.
Số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này đã giảm liên tục trong những ngày qua mặc dù New Zealand vẫn gia tăng xét nghiệm xét nghiệm diện rộng. Ngày 9/4, New Zealand chỉ ghi nhận 29 ca mắc COVID-19 mới. Trước đó, hôm 7/4, số ca hồi phục trong ngày ở nước này thậm chí đã vượt số ca mắc mới.
"Những tín hiệu đó thật hứa hẹn", Ashley Bloomfield, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand nhận định.
Dù vậy, Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern kiên quyết cho rằng nước này sẽ hoàn thành 4 tuần phong tỏa tức là gấp đôi thời gian chu kỳ ủ bệnh 14 ngày của virus SARS-CoV-2 trước khi dỡ bỏ các quy định trên.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào New Zealand có thể kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhanh chóng như vậy?
Hành động quyết liệt từ sớm
Nền kinh tế New Zealand phụ thuộc chủ yếu vào du lịch khi đón 4 triệu du khách quốc tế ghé thăm mỗi năm, gần bằng tổng dân số nước này.
Tuy nhiên, khi "cơn lốc" COVID-19 càn quét và lan rộng ở những quốc gia như Italy hay Mỹ, xứ sở kiwi đã có một động thái chưa từng có tiền lệ: Đóng cửa với du khách nước ngoài từ ngày 19/3.
Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern. (Ảnh: AP)
Hai ngày sau, Thủ tướng Ardern phát biểu trên truyền hình từ văn phòng của bà, sự kiện lần đầu tiên diễn ra kể từ năm 1982, thông báo về kế hoạch phản ứng với đại dịch COVID-19 gồm 4 cấp độ, trong đó phong tỏa toàn bộ đất nước là cấp độ thứ 4.
Một nhóm các nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đã gọi điện cho Thủ tướng 1 ngày sau đó và thúc giục bà thực hiện cấp độ cao nhất.
"Chúng tôi vô cùng lo lắng về những điều đã xảy ra ở Italy và Tây Ban Nha", Stephen Tindall - người sáng lập hãng bán lẻ lớn nhất New Zealand là Warehouse cho biết.
"Nếu chúng ta không nhanh chóng đóng cửa, nỗi đau do COVID-19 sẽ tiếp tục trong một thời gian rất dài. Dù sao thì việc đóng cửa là điều không thể tránh khỏi nên chúng ta hãy làm điều này thật nhanh chóng", ông Stephen cho biết.
Video: Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ vượt Tây Ban Nha
"Chúng tôi hiện có 102 trường hợp. Nhưng Italy cũng từng như vậy", bà Ardern nhận định.
Từ tối 25/3, người dân New Zealand sẽ phải ở nhà trong 4 tuần và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết như khám bệnh hay tới siêu thị hoặc tập thể dục gần nhà.
Những người ở New Zealand thậm chí đã nhận được tin nhắn qua điện thoại rằng: "Hãy hành động như thể bạn đã mắc COVID-19. Điều này sẽ cứu sống nhiều sinh mạng. Hãy thực hiện nghĩa vụ của mình, đoàn kết với nhau chống lại dịch bệnh".
Chính phủ Thủ tướng Ardern thi hành lệnh cách ly quyết liệt ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)
Từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Thủ tướng Ardern và đội ngũ của bà đã đưa ra những thông báo đơn giản nhưng quan trọng: "Hãy ở nhà. Đừng tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài người nhà của bạn. Hãy thực hiện tốt. Tất cả chúng ta đều sát cánh bên nhau chống lại dịch bệnh".
Bà Ardern thường lặp lại những thông điệp này tại các hội nghị mà bà tham gia, nơi mà nữ Thủ tướng thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau từ giá cả của súp lơ cho tới trợ cấp lương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng New Zealand cũng thường cập nhật các thông tin về dịch COVID-19 và trả lời các câu hỏi trên Facebook.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tán thành với những quy định mới. Cảnh sát đã yêu cầu những người lướt sóng rời đi sau khi họ vi phạm lệnh cách ly tại nhà. Bộ trưởng Y tế New Zealand cũng bị giáng cấp sau khi đạp xe leo núi và đưa gia đình tới bãi biển.
Dù vậy, nhìn chung người dân New Zealand đều tán thành với các giải pháp của chính phủ. Đường dây điện thoại của cảnh sát dành cho các trường hợp không khẩn cấp thường bị quá tải khi nhiều người gọi điện đến báo cáo về các trường hợp vi phạm.
Đáng chú ý hơn là những giải pháp này được cả Đảng Quốc gia đối lập ủng hộ. Trên thực tế, họ đã hỗ trợ thay vì chỉ trích những phản ứng của chính phủ.
Những nỗ lực được đền đáp
Sau khi đạt đỉnh ngày 2/4 với 89 ca mắc COVID-19, số ca bệnh mới trong ngày của New Zealand giảm xuống 67 ca ngày 6/4 và sau đó là tới ngày 9/4 chỉ còn 29 ca.
Phần lớn các ca mắc COVID-19 mới đều có liên quan đến những người từ nước ngoài về, do đó, việc theo dõi tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn, trong khi nhiều ca mắc mới đều liên quan đến những nhóm lây nhiễm có thể xác định.
Người dân mua nhu yếu phẩm tại một siêu thị ở Auckland, New Zealand ngày 28/2/2020. (Ảnh: TTXVN)
Do hầu như có rất ít bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm trong cộng đồng nên New Zealand không có số lượng quá đông các bệnh nhân khiến các bệnh viện quá tải. Chỉ có 1 người phụ nữ cao tuổi mắc các bệnh nền là tử vong vì dịch bệnh này tại New Zealand.
Việc giảm các ca mắc COVID-19 mới đã cho thấy "sự chiến thắng của khoa học và khả năng lãnh đạo", Michael Baker - Giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago và là một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu thế giới cho biết.
"Thủ tướng Jacinda Ardern đã rất quyết đoán và dứt khoát khi đối mặt với mối đe dọa này", chuyên gia Baker cho biết, người ủng hộ giải pháp "xóa bỏ" dịch bệnh sau khi đọc một báo cáo của WHO từ Trung Quốc hồi tháng 2/2020.
"Các quốc gia khác chứng kiến số ca nhiễm gia tăng từ từ nhưng cách tiếp cận của chúng tôi đã cho thấy kết quả đối lập hoàn toàn", ông Baker đánh giá, đồng thời nhận định trong khi các nước phương Tây cố gắng làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh và "làm phẳng đường cong" thì New Zealand cố gắng dập dịch hoàn toàn.
Trong trường hợp của New Zealand, bởi vì quốc gia này là một đảo quốc khá nhỏ nên việc đóng cửa biên giới sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, vì là đảo quốc nhỏ nên điều đó cũng giúp quốc gia này giống như một ngôi làng, nơi mà mọi người đều biết nhau nên các thông điệp có thể truyền đi nhanh chóng.
Vẫn còn thách thức
Dù vậy, thách thức tiếp theo mà New Zealand phải đối mặt là: Khi virus SARS-CoV-2 đã bị loại trừ, làm thế nào để khiến nó không thể quay trở lại.
Chính phủ sẽ không cho phép mọi người nhập cảnh tự do vào New Zealand cho tới khi virus ngừng lây lan trên toàn cầu hoặc một loại vaccine đặc hiệu được tạo ra, chuyên gia Baker nhận định.
Nhưng với lệnh đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, các quy định có thể dần được nới lỏng và cuộc sống ở New Zealand có thể quay trở lại gần như bình thường.
Video: Tình hình dịch COVID-19 ở Australia đang lây lan nhanh
Bà Ardern cho biết chính phủ của bà đang cân nhắc lệnh cách ly bắt buộc đối với những người New Zealand trở về nước sau lệnh phong tỏa.
"Tôi thật sự muốn một hệ thống thật chặt chẽ ở biên giới của chúng tôi, và tôi nghĩ chúng tôi có thể làm tốt hơn", Thủ tướng New Zealand cho biết.
Nếu dịch Covid-19 được ngăn chặn, New Zealand sẽ chuyển sang cảnh báo ở cấp độ 3. Theo Tổng giám đốc Ashley Bloomfield thì điều đó nghĩa là sẽ có nhiều hoạt động hơn diễn ra, sẽ có nhiều người hơn quay lại làm việc nhưng các biện pháp như giữ khoảng cách với nhau hoặc rửa tay... vẫn được duy trì để phòng chống dịch bệnh.
Những thành quả hiện nay của New Zeland trong công tác chống dịch Covid-19 có thể chưa phải chiến thắng cuối cùng.
Nhưng những kinh nghiệm đó khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng to lớn của việc hành động kịp thời và quyết liệt khi đối phó với một đại dịch toàn cầu.